Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:00 GMT+7

Sản xuất bền vững

Xu hướng đồng phát nhiệt - điện từ bã mía tăng trong ngành mía đường

21/06/2022

Theo các chuyên gia, xu hướng lắp đặt hệ thống đồng phát nhiệt - điện từ bã mía vừa để cung cấp điện cho sản xuất mía, vừa để bán lại cho EVN đã tăng lên. Tuy nhiên, tiềm năng lớn từ điện sinh khối trong ngành mía đường vẫn chưa được khai thác hiệu quả. 

Hiệu quả rõ rệt

Tổng Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco) là một trong những nhà sản xuất đường lớn của Việt Nam. Hai Nhà máy Lasuco đang vận hành có tổng công suất gần 10.500 tấn mía/ngày.

Nhà máy đồng phát nhiệt - điện Lasuco công suất 33,5 MW.

Từ rất sớm, Mía đường Lam Sơn đã đầu tư dự án đồng phát nhiệt - điện từ bã mía. Một phần là để giải quyết vấn đề môi trường phát sinh từ Nhà máy đường, cũng là cách để tự chủ một phần nguồn điện sản xuất đồng thời giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia. Theo đó, Lasuco đã đầu tư lắp đặt Nhà máy đồng phát điện chạy bằng bã mía công suất 33,5 MW. Trong đó, 50% điện tạo ra được cung ứng lại cho Nhà máy sản xuất đường, 50% còn lại bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Với việc đầu tư xây dựng Nhà máy đồng phát điện từ bã mía, ước tính hàng năm Nhà máy đã tiết kiệm được khoảng  69.570 MWh, lượng phát thải giảm khoảng 31.706 tCO2tđ.

Lasuco đã được cấp chứng nhận giao dịch tín dụng carbon từ năm 2012 với mức giá 7,8 Euro (9 USD) cho mỗi tấn CO2 theo Cơ chế Phát triển Sạch (CDM). Như vậy là trong vòng 20 năm, từ 2012-2032, mỗi năm doanh nghiệp sẽ có thêm khoảng 10 tỷ đồng từ giao dịch tín dụng carbon. 

Tương tự, tại Công ty TNHH mía đường Nghệ An (NASU - thành viên Tập đoàn TH), từ nhiều năm nay đã lắp đặt hệ thống lò hơi sản xuất điện từ đốt bã mía phục vụ cho sản xuất. Tại NASU, công suất lò hơi là 175 tấn hơi/h, hiệu quả phát điện đạt 10 MW. Trong đó, hơn ½ lượng điện được quay lại phục vụ Nhà máy đường, ½ bán bán cho EVN. 

Ông Ngô Văn Tú, Tổng Giám đốc NASU, cho biết “Công suất ép mía của Nhà máy là 7.000 tấn/ngày, sản xuất được khoảng 1.960 tấn bã, lượng bã sử dụng để đốt lò sinh hơi là 1.800 tấn. Lượng bã sinh hơi đó đi vào tuabin máy phát điện 102 tấn/h phát ra lượng điện 9.2MWh điện. NASU sử dụng khoảng 6 – 6.2 MWh, lượng điện còn lại bán lên lưới điện quốc gia”, ông Tú nói. 

Cũng theo đại diện NASU, từ khi sử dụng bã mía để sản xuất điện, nguồn điện sản xuất trung bình là  30.7KWh/tấn mía. Vụ ép mía năm 2020 – 2021, công ty sản xuất được hơn 15 triệu KWh điện, bán cho EVN hơn 5 triệu KWh, tăng doanh thu từ 10 – 12 tỷ đồng/vụ ép. Ngoài ra, doanh nghiệp không mất chi phí thuê nhà thầu xử lý bã mía dư thừa như trước nên tiện cả đôi đường. 

Vẫn còn điểm nghẽn

Trong những năm qua đã chứng kiến xu hướng nhiều công ty mía đường tách riêng phần sản xuất điện và đầu tư thêm các thiết bị lò hơi mới để nâng cao hiệu quả sản xuất điện từ bã mía. Điều này cho thấy triển vọng phát triển năng lượng sinh khối trong ngành mía đường là rất khả quan. 

Tuy nhiên, có một nghịch lý là năm 2019 chỉ có 175 MW điện sinh khối của ba nhà máy mía đường phát điện lên lưới, theo báo cáo của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia. Lý giải nguyên nhân này, các chuyên gia cho rằng giá mua điện đồng phát nhiệt - điện vẫn chưa đủ hấp dẫn. 

Theo các chuyên gia, giá mỗi kWh điện từ bã mía còn thấp so với mặt bằng chung khu vực là một trong những nguyên nhân khiến sự phát triển điện sinh khối từ bã mía chưa bứt phát thời gian qua.

Đơn cử, mỗi kWh điện đồng phát nhiệt điện bã mía có giá là 7,03 US cents (khoảng 1.616 đồng/kWh), thấp hơn so với giá điện mua từ các nhà máy điện sinh khối là 8,47 US cents (tương đương 1.948 đồng). Do đó, nhiều doanh nghiệp mía đường sau khi tính toán các khoản đầu tư đã không mặn mà với việc phát triển dự án đồng phát nhiệt điện từ bã mía, mặc dù triển vọng rất khả quan. 

Đặc biệt, nếu so sánh với giá này với các nước khác trong khu vực ASEAN sẽ thấy giá điện đồng phát nhiệt - điện từ các nhà máy mía đường đang khá… thiệt thòi. Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho hay, giá mua điện sinh khối tại Thái Lan với nhà máy có công suất 1-3 MW tương đương 17 US cents/kWh. Giá điện sinh khối tại Philippines tương đương 13 US cents/kWh. Các nước này cũng không phân biệt các dự án đồng phát nhiệt - điện từ bã mía với điện sinh khối từ nguồn khác. 

Ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi cho rằng Chính phủ cần điều chỉnh giá điện sinh khối, trong đó có đồng phát nhiệt - điện để góp phần thúc đẩy các nhà máy đường đầu tư phát điện nối lưới quốc gia. “Thực tế xu hướng xây dựng các nhà máy đồng phát nhiệt - điện trong ngành mía đường để sử dụng một phần điện cho sản xuất đường, còn lại bán lên lưới điện quốc gia đang chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Tuy nhiên cơ chế hỗ trợ điện sinh khối mới sửa đổi vẫn quy định hai mức giá khác nhau đối với điện sinh khối nối lưới là không hợp lý khi áp dụng với các nhà máy mới đầu tư.”, ông Đàng cho biết. 

Ông Nguyễn Văn Lộc cũng cho rằng hiện các nước như Thái Lan, Philippines, Indonesia coi khuyến khích điện sinh khối từ bã mía là hình thức hỗ trợ gián tiếp, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần xem xét, hoàn thiện cơ chế hỗ trợ điện sinh khối bã mía.

An Nhiên