Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 24/11/2024 | 07:07 GMT+7

Tin hoạt động

Phát triển đô thị thông minh theo hướng xanh và bền vững

29/06/2022

Mới đây tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo với chủ đề phát triển các mô hình đô thị mới, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đồng chủ trì. 

Tại Hội thảo, Phó trưởng Ban Kinh tế TW ông Nguyễn Đức Hiển khẳng định đô thị hóa là xu hướng tất yếu, động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. “Tại Việt Nam, trong thời gian qua, quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.”, Phó trưởng Ban Kinh tế TW cho biết. 

Đô thị thông minh - Cần thêm giải pháp đồng bộ, phù hợp với từng địa phương 

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, cùng với quá trình đô thị hóa, nhiều mô hình phát triển đô thị mới xuất hiện như đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị sinh thái, đô thị công nghiệp - thương mại - dịch vụ… đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả, bền vững. Đồng thời, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là nâng cao năng lực chống chịu, ứng phó với biến đổi khí hậu của các hệ thống đô thị. 

 Phó trưởng Ban Kinh tế TW ông Nguyễn Đức Hiển khẳng định đô thị thông minh góp phần thúc đẩy chuyển dịch kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, hiệu quả, bền vững.

Tuy vậy, nhiều đánh giá khách quan cho thấy việc phát triển đô thị thông minh, bền vững vẫn còn hạn chế. Cụ thể, các yếu tố văn hóa, cảnh quan đặc thù chưa được chú trọng; kiến trúc, bộ mặt đô thị còn thiết bản sắc, thiếu điểm nhấn, tự phát. Nhìn chung, việc phân loại, nâng cấp đô thị chỉ đạt mục tiêu tăng quy mô đất đai, dân số mà chưa coi trọng việc đổi mới, nâng cao chất lượng đô thị. 

Quá trình xây dựng đô thị thông minh trong giai đoạn này chưa có chiến lược cụ thể, số lượng đô thị mới thông minh còn hạn chế, mô hình đô thị bền vững, đô thị xanh chưa được chính thức hóa… “Những yếu tố này khiến sự phát triển đô thị thông minh nhiều vùng còn ít về số lượng, chưa được nghiên cứu và triển khai phù hợp với từng vùng, miền, loại và cấp đô thị”, ông Hiển nhận định. 

Phó trưởng Ban Kinh tế TW cũng chỉ ra một số vấn đề nổi cộm trong quá trình đô thị hóa thời gian vừa qua. Theo đó, toàn quốc hiện có khoảng 26% đô thị đã ban hành Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc. Tại nhiều đô thị, tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng, nhất là tại các đô thị lớn; ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm tiếng ồn ở mức cao. 

Theo các báo cáo gần đây, khoảng 300 đô thị ven biển sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, như ngập lụt, xâm nhập mặn, triều cường. Đặc biệt, các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất lại là nơi có tốc độ đô thị hóa cao, và dự tính sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Trong khi đó, khoảng 140-150 đô thị miền núi chịu ảnh hưởng mạnh của sạt lở đất, lũ quét và hạn hán. 

Về kinh tế, đô thị được nhận định còn phân tán, thiếu kết nối và mô hình không gian và công nghiệp kém hiệu quả. Tính kinh tế tích tụ yếu, hiệu quả còn thấp, phụ thuộc nhiều vào FDI. Tăng trưởng kinh tế đô thị cả nước chủ yếu từ năm thành phố trực thuộc TW và hai vùng đô thị lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. 

Đáng nói, tốc độ tăng trưởng kinh tế của ⅘ thành phố trực thuộc TW đang chững lại khi tăng trưởng năng suất giảm dần. Trong khi đó, các đô thị nhỏ và trung bình còn thiếu động lực phát triển, chưa có các khu công nghiệp tập trung để thúc đẩy nền kinh tế sản xuất tại đô thị mà chủ yếu phụ thuộc vào tiêu dùng. 

Ngoài ra, thị trường bất động sản và thương hiệu đô thị chưa được khai thác tốt. Nguồn thu ngân sách địa phương chủ yếu phụ thuộc vào thu một lần cho sử dụng đất. 

Các đề xuất thúc đẩy đô thị thông minh theo hướng xanh và bền vững

Tại Hội thảo, các vấn đề được tập trung trao đổi xoay quanh các giải pháp chuyển dịch kinh tế đô thị xanh, đáp ứng yêu cầu thích ứng biến đổi khí hậu và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. 

Ông Alexander Nash, Chuyên gia Phát triển đô thị, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) trình bày một số mô hình đô thị thông minh, ứng phó biến đổi khí hậu phù hợp với Việt Nam. Theo ông Alexander, thiết kế đô thị thông minh, thích ứng với sự biến đổi khí hậu không nhất thiết phải phụ thuộc vào các kết cấu cứng như kè bê-tông. Thay vào đó, tận dụng các cơ sở hạ tầng tự nhiên, như hệ thống thoát nước ngầm, kênh rạch, sông, hồ… để thoát nước tự nhiên, hạn chế tình trạng ngập úng là một lựa chọn thông minh. 

Thêm vào đó, khi khí hậu đang nóng dần lên thì việc tận dụng và kiến tạo các không gian xanh trong vào ngoài khu vực tòa nhà để điều hòa khí hậu cũng là điều nên cân nhắc trong thiết kế, quy hoạch đô thị. Chuyên gia cũng đề cập tới vai trò quan trọng của chiếu sáng thông minh trong tiêu thụ năng lượng tại đô thị. Theo đó, một số dự án chiếu sáng đô thị thông minh, như tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội, đã cho thấy hiệu quả tiết kiệm năng lượng và chi phí đáng kể.  

Đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Chuyên gia Morgan Rivoal, chia sẻ về một số giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại đô thị. Theo đó, kinh tế tuần hoàn không chỉ là vấn đề xử lý rác thải, mà là thay đổi tư duy về sử dụng tài nguyên hiệu quả trong cả quá trình sản xuất của nền kinh tế. Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cần sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế trong xã hội, và cần các giải pháp liên ngành. 

UNDP cũng đã hợp tác với một số thành phố để thí điểm các mô hình kinh tế tuần hoàn. Ở cấp độ quốc gia, UNDP đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng Lộ trình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Trong đó, một nền tảng về kinh tế tuần hoàn đã ra mắt (vietnamcirculareconomy.vn) nhằm chia sẻ các kiến thức về kinh tế tuần hoàn, và minh bạch thông tin các dự án liên quan đang thực hiện tại Việt Nam. 

Các đại biểu tham gia tham luận tại Hội thảo.

Ông Frederic Frédéric, Trưởng phòng Phát triển Đô thị, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) nhấn mạnh việc xây dựng các tiêu chuẩn cho đô thị thông minh. Theo đó, các tiêu chuẩn sẽ bao gồm nhiều yếu tố, từ quy hoạch đảm bảo cảnh quan đô thị, lưu thông và đặc biệt phải đảm bảo các yếu tố hạn chế rủi ro của biến đổi khí hậu (quản lý ngập lụt, xâm nhập mặn, sạt lở…) Các tiêu chuẩn cũng sẽ bao gồm các tiêu chí liên quan tới chất lượng không khí, rác thải, bên cạnh các tiêu chí sống cơ bản khác nhằm đảm bảo một môi trường chất lượng, đáng sống cho người dân. 

Đại diện AFD nhấn mạnh vai trò điều phối của chính quyền địa phương, không chỉ trong việc xây dựng các chính sách, quy định để thu hút đầu tư, mà còn cung cấp dịch vụ công cho mọi đối tượng. Đồng thời, hỗ trợ người dân đóng góp tiếng nói vào quá trình phát triển bền vững đô thị.   

CEO Phúc Khang Corporation bà Lưu Thị Thanh Mẫu, chia sẻ về xu hướng phát triển công trình xanh tại thị trường Việt Nam. Theo đại diện Phúc Khang, hiện nước ta có khoảng 400 công trình xanh được công nhận. Chủ yếu các công trình hướng đến các tiêu chuẩn Lotus, LEED và EDGE, là những tiêu chuẩn công trình xanh được công nhận rộng rãi trên thế giới. Bà Thanh Mẫu cũng cho biết các yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển các công trình xanh là linh hoạt và thích ứng với các nhu cầu, vấn đề của cộng đồng gắn với tiêu chí xanh; chính sách khuyến khích phù hợp của Chính phủ; vai trò của cộng đồng dân cư. 

Phó Tổng Giám đốc Viettel Post, ông Nguyễn Hoàng Long, chia sẻ về các giải pháp logistic xanh. Các báo cáo kinh tế cho thấy chỉ số năng lực logistic quốc gia nước ta đứng thứ 39/160, thứ ba Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng. Quy mô ngành kinh tế tương đương 49 tỷ USD/năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân 14-16%/năm. Tuy nhiên, chi phí logistic ở Việt Nam được đánh giá tương đối cao, chiếm tới 20,9-25% GDP.  Đại diện Viettel Post cho biết, mục tiêu của ngành trong những năm tới là giảm chi phí logistic xuống dưới 16% GDP, tăng chỉ số LPI 5-10 bậc và tăng tỷ trọng đóng góp vào nền kinh tế đạt 5-6% GDP. 

Bài học từ các hãng logistic lớn trên thế giới về cắt giảm khí thải hiệu quả là tối ưu quy trình logistic, chuyển đổi phương tiện vận tải xanh và ưu tiên phát triển công nghệ hỗ trợ logistic xanh. Trong đó, Viettel Post đang áp dụng các giải pháp số như lên kế hoạch vận chuyển với chi phí thấp và quãng đường ngắn nhất, giám sát đơn hàng để ghép chuyến và phòng ngừa rủi ro, giám sát phương tiện vận chuyển theo thời gian thực... Ngoài ra, để giảm thiểu rác thải trong hệ sinh thái của mình, Viettel Post cũng xây dựng các hướng dẫn tới đối tác để giảm số lượng túi nilon bao gói. Bên cạnh đó, tăng cường số lượng phương tiện vận chuyển điện, lắp đặt điện mặt trời áp mái cho các hệ thống kho lưu trữ. 

Phần thảo luận, các khác mời và diễn giả cùng nhau phân tích, trao đổi về các mô hình đô thị mới, phát triển kinh tế đô thị. Các vấn đề được quan tâm là chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị, bất động sản, tài chính bền vững; phát huy vai trò các ngành kinh tế xanh. Từ đó, các đại biểu cũng đề xuất với Ban tổ chức một số kiến nghị chính sách nhằm phù hợp thực tiễn, hài hòa lợi ích giữa các bên.

Giang Nguyễn