Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 23:04 GMT+7

Sản xuất bền vững

Vinamilk thúc đẩy quản trị và sáng kiến cho mục tiêu bền vững

01/06/2022

Theo Tổng giám đốc Vinamilk bà Mai Kiều Liên, “phát triển bền vững không còn là sự lựa chọn mà là con đường bắt buộc để tồn tại và phát triển”. Với tôn chỉ đó, trong những năm qua Vinamilk không ngừng thúc đẩy thực hành quản trị tốt và sáng kiến nhằm đảm bảo các mục tiêu bền vững.
Trong thời gian qua, Vinamilk đã xây dựng chiến lược phát triển theo hướng bền vững. Hiệu quả đem lại không chỉ là những lợi ích về mặt kinh tế, thị phần ổn định mà cả những giá trị bền vững về tài nguyên, môi trường. 
Quản trị tốt cho hiệu quả bền vững
Theo Tổng giám đốc Vinamilk bà Mai Kiều Liên, “phát triển bền vững không còn là sự lựa chọn mà là con đường bắt buộc để tồn tại và phát triển”. Theo tôn chỉ đó, những năm qua Vinamilk luôn duy trì và cải thiện các hoạt động nhằm quản trị các nguồn lực theo hướng bền vững hơn. Trong đó, các mục tiêu liên quan đến quản lý tài nguyên, chất thải và giảm phát thải khí nhà kính là một trong những trọng tâm. 
Trong quản lý năng lượng, các nhà máy đã được triển khai và vận hành hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 50001. Chín nhà máy thường xuyên được kiểm toán năng lượng định kỳ.
Các nhà máy Vinamilk đều áp dụng hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001.
Hiện tại, 10 nhà máy và 13 trang trại triển khai lắp đặt năng lượng mặt trời. Đồng thời, 9 trong nhà máy chế biến sữa sử dụng hệ thống hơi năng lượng xanh từ khí CNG và biomass. Mục tiêu của Vinamilk là sẽ dần áp dụng các nguồn năng lượng này ở tất cả các nhà máy trong hệ thống: biomass sử dụng tại các nhà máy có đủ diện tích mặt bằng, khí CNG sử dụng tại những nhà máy có diện tích hạn chế.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại các đơn vị trực thuộc, từ năm 2013, Vinamilk đã thực hiện thay thế các bóng đèn cao áp bằng đèn LED tiết kiệm điện. Hiện 100% nhà máy và trang trại đều sử dụng đèn LED. Theo tính toán, hoạt động này tiết kiệm đến 70% lượng điện sử dụng cho chiếu sáng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng áp dụng quy trình quản lý và xử lý chất thải trên toàn bộ hệ thống nhằm đảm bảo công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể, các cơ sở sản xuất trên toàn hệ thống áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001. Hai nhà máy sản xuất sữa nước và sữa bột lớn nhất đã đưa hệ thống kiểm soát chất thải mới nhất vào hoạt động, có khả năng  xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn QCVN 40:2011 về nước thải công nghiệp. Tổng mức đầu tư dự án hơn 50 tỷ đồng. 
Các loại chất thải rắn được tách riêng thành nhóm chất thải rắn nguy hại và không nguy hại. Chất thải rắn nguy hại và bùn thải được giao cho đơn vị chuyên trách xử lý. Các loại nước thải trong quá trình sản xuất, vệ sinh thiết bị và các hoạt động khác của nhà máy sẽ được truyền dẫn và xử lý tập trung tại hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo nước xả thải đạt đủ tiêu chuẩn theo quy định BVMT mới nhập vào các nguồn thải chung hoặc ra môi trường. Để giảm lượng khí thải từ các quá trình đốt của lò hơi, hệ thống khác được thu và xử lý bằng tháp hấp thụ.  
Đối với các trang trại nuôi bò, 100% không sử dụng phân bón hóa học. 13 trang trại tại Việt Nam được xây dựng theo tiêu chuẩn Global GAP. Trong đó hai trang trại đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu và một trang trại đạt tiêu chuẩn hữu cơ Trung Quốc.  
13/13 trang trại của Vinamilk lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái.
Thêm sáng kiến, tăng lợi ích 
Phát huy sáng tạo, khai thác tối đa tiềm năng các sáng kiến theo tiêu chí giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế - tối ưu là một trong những tôn chỉ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của Vinamilk. Hiệu quả của chiến lược hoạt động này thể hiện rõ rệt ở nhiều khía cạnh.
Theo báo cáo mới nhất, riêng trong năm 2021, 69 sáng kiến đã được thực hiện, tập trung giải quyết các vấn đề về nguyên vật liệu, chăn nuôi, sản xuất và phát thải. Giá trị tiết kiệm trong sản xuất ước tính hơn 6,5 tỷ đồng. 
Trong lĩnh vực năng lượng, việc ứng dụng công nghệ 4.0 và năng lượng xanh giúp tăng tỷ lệ sử dụng CNG và biomass trong tổng năng lượng sử dụng lần lượt lên 23,59% và 65,58%. Đồng thời, các nhà máy cũng thực hiện cải tiến, tái thiết kế nhằm tối ưu hóa hoạt động các hệ thống máy, tối ưu thông số và bố trí thời gian vận hành hợp lý. Hiệu quả, năng lượng tiêu hao trên mỗi tấn sản phẩm giảm còn 1.837 kJ/tấn, lượng điện giảm tương đương 170.748 kWh/năm, dầu sử dụng giảm 100.979 kg/năm. 
Tỷ lệ sử dụng CNG và biomass trong các cơ sở sản xuất của Vinamilk lần lượt đạt 23,59% và 65,58%.
Các phương pháp thu hồi và xử lý nước thải cũng phát huy tác dụng. Cụ thể, tối ưu hệ thống xử lý nước thải, tận dụng nước thu hồi sạch sau xử lý tạo hiệu quả tiết kiệm nước 86.106 m3/năm. Tỷ lệ nước thu hồi trong sản xuất đạt 5,4%. Tỷ lệ nước sử dụng trên mỗi tấn sản phẩm cũng giảm so với năm trước, còn 5,84 m2/tấn. 
Hiệu quả xử lý chất thải và nước thải luôn đảm bảo các quy định BVMT, không ghi nhận sự cố liên quan đến môi trường. Bên cạnh đó, lượng phát thải CO2 trên mỗi tấn sản phẩm có xu hướng giảm, ở mức 215,22 kg CO2/tấn sản phẩm.
Riêng đối với quản lý chất thải nhựa, các cơ sở sản xuất thực hiện nhiều cải tiến, tận dụng bao bì. Kết quả lượng rác thải nhựa thải ra môi trường giảm gần 1.000 kg. Về quản lý hóa chất, các sáng kiến thu hồi tận dụng hóa chất, tối ưu hệ thống CIP giúp giảm lượng 980 kg hóa chất sử dụng trong năm 2021. 
Dự án Tổ hợp trang trại bò sữa organic tại Lào do Vinamilk góp vốn có quy mô 5.000 ha với đàn bò 24.000 con đi vào hoạt động cuối năm 2021.
Trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh vừa qua, dù việc tổ chức sản xuất kết hợp phòng chống dịch thêm nhiều hoạt động cho doanh nghiệp, nhưng nhờ ứng phó linh hoạt nên các nhà máy của Vinamilk vẫn không xảy ra gián đoạn sản xuất, các sản phẩm chủ lực vẫn đảm bảo sản lượng để cung cấp cho nhu cầu trong và ngoài nước. Đồng thời, vùng nguyên liệu đã được xây dựng ổn định từ trước nên khi dịch bệnh xảy ra cũng không ảnh hưởng nhiều đến nguồn và giá nguyên liệu đầu vào sản xuất. Hiệu quả là năm 2021, dù dịch bệnh ảnh hưởng đến nền sản xuất nói chung, nhưng sản lượng của Vinamilk vẫn đạt mức cao kỷ lục là 380.000 tấn. Tổng đàn khai thác ghi nhận hơn 160.000 con.
Tăng trưởng ổn định của doanh nghiệp cũng tạo những giá trị kinh tế bền vững cho địa phương và các nhà cung cấp. Cụ thể, Vinamilk đảm bảo việc làm dài hạn cho gần 8.000 lao động, giúp phát triển kinh tế địa phương qua việc thu mua hơn 193.500 tấn sữa từ các hộ nông dân. Đồng thời tạo ra 33.200 tỷ đồng giá trị giao dịch với các nhà cung cấp khác. 
Từ những nỗ lực này, năm 2021, Vinamilk lọt TOP 5 thương hiệu thực phẩm mạnh nhất toàn cầu, TOP 10 thương hiệu sữa giá trị toàn cầu (theo Brand Finance UK). Đồng thời đạt danh hiệu Doanh nghiệp hướng về cộng đồng nhất của châu Á (ACES Awards 2021), TOP 10 doanh nghiệp phát triển bền vững lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam lần thứ 6 liên tiếp. Hiện tại Vinamilk là một trong những đối tác quan trọng trong dự án về Phát triển bền vững theo Khung phát triển bền vững ngành sữa toàn cầu (DSF).
Năm 2021, Vinamilk đạt tổng doanh thu hợp nhất 61.012 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 10.633 tỷ đồng. Đóng góp cho ngân sách Nhà nước là 5.322 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp có 13 trang trại đạt chuẩn Global GAP, trong đó ba trang trại đạt tiêu chuẩn organic châu Âu, hai trang trại đạt tiêu chuẩn organic Trung Quốc. Cuối năm, Vinamilk hoàn thành giai đoạn 1 dự án Tổ hợp trang trại bò sữa organic tại Lào với tổng diện tích 5.000ha, quy mô đàn bò 24.000 con. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án ước tính 150 triệu USD.
Giang Nguyễn