Chiều 26/4, dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch Điện VIII) đã chính thức được Hội đồng thẩm định thông qua với đa số phiếu nhất trí. Nhân sự kiện này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính đã chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề trên.
Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Quy hoạch Điện VIII được thông qua sẽ tạo đột phá cho lĩnh vực năng lượng của Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII được Bộ Công Thương trình Chính phủ lần đầu tiên vào ngày 26/3/2021. Sau khi phân tích, đánh giá kỹ lưỡng một số vấn đề còn bất cập về quy mô phát triển, cơ cấu nguồn điện, cân đối vùng miền chưa hợp lý… Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII, nhằm khắc phục những bất cập, cũng như bám sát các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh kỳ vọng Quy hoạch Điện VIII sẽ tạo đột phá cho lĩnh vực năng lượng của Việt Nam.
Đặc biệt, trong quá trình xây dựng Quy hoạch Điện VIII, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì hơn 20 cuộc họp và làm việc để góp ý, hoàn thiện Quy hoạch. Qua đó cho thấy, Chính phủ đã cân nhắc rất kỹ trước khi thông qua dự thảo Quy hoạch Điện VIII.
Việc thông qua dự thảo Quy hoạch Điện VIII thời điểm này là cần thiết, bởi tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần có cái nhìn toàn diện về quy hoạch điện quốc gia, phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam và thông lệ quốc tế. Theo đó, Quy hoạch Điện VIII đã thay đổi bằng cách hạn chế điện than và ưu tiên sử dụng nguồn năng lượng xanh, sạch, thoả mãn yêu cầu phát triển của đất nước, xu hướng của thế giới, cũng như cam kết quốc tế của Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính.
Quy hoạch Điện VIII với việc chú trọng phát triển nguồn năng lượng sạch cũng giúp Việt Nam có cơ hội để tận dụng phát triển điện gió, điện mặt trời, đây là lĩnh vực Việt Nam có nhiều tiềm năng, từ đó phát huy thế mạnh vùng miền, giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường. Việc phát triển năng lượng sạch, hướng tới nền kinh tế xanh cũng tạo cơ hội để Việt Nam thu hút được nguồn vốn đầu tư, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Với Quy hoạch Điện VIII, từ nay đến năm 2045 Việt Nam cần một lượng vốn đầu tư rất lớn. Theo ông, chúng ta cần làm gì để huy động được nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, trong khi đó chi phí đầu tư cho năng lượng tái tạo lại rất cao?
Đúng như bạn nói, Quy hoạch Điện VIII giảm thiểu điện than và ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, trong khi đó, đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo thì chi phí cao hơn, khả năng thu hồi vốn chậm hơn. Đây cũng là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam trong hoàn thành Quy hoạch.
Tuy nhiên thực tế thời gian qua cho thấy, khi chúng ta bắt đầu "mở cửa" đón luồng điện gió, điện mặt trời thì lập tức khu vực kinh tế tư nhân trong và ngoài nước đã đầu tư rất lớn vào lĩnh vực này. Nhưng chúng ta vẫn chưa tận dụng được nguồn vốn, do thiếu cơ chế, chính sách phù hợp, khiến chúng ta không mua được hết điện, không sử dụng hết được năng lực phát điện, do khâu truyền tải điện không phát triển kịp với tốc độ tăng trưởng phát điện và không phát triển được nguồn điện lưu trữ.
Như vậy để thấy, không phải nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước không hào hứng với lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam, mà là do chúng ta thiếu cơ chế, chính sách để tạo ra cơ hội cho tư nhân tham gia vào, làm hạn chế cơ hội cho lĩnh vực này phát triển.
Để tạo điều kiện phát triển Quy hoạch Điện VIII, tạo cơ hội cho phát triển năng lượng tái tạo, điều quan trọng nhất lúc này là cần xây dựng cơ chế bình đẳng, công bằng, bảo đảm quyền lợi và chia sẻ rủi ro, lợi ích cho nhà đầu tư… nếu làm được như vậy, Việt Nam có thể huy động đủ nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, đồng thời tận dụng được những lợi thế về năng lượng tái tạo của Việt Nam, phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.
Quy hoạch Điện VIII ưu tiên năng lượng tái tạo, nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ tại COP26. Theo ông, liệu chúng ta có thể đạt được mục tiêu trên không?
Thông qua dự thảo Quy hoạch Điện VIII là một tín hiệu rất tích cực giúp Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, đây cũng là xu hướng mà các nền kinh tế trên thế giới đang hướng tới.
Từ nay đến năm 2050, vẫn còn gần 30 năm nữa để chúng ta thực hiện đưa phát thải ròng bằng 0, tuy nhiên, nếu không có những bước đi vững chắc, quyết liệt từ bây giờ bằng cách hạn chế chất thải, hạn chế nhiệt điện, tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo thì chúng ta khó có thể đạt được mục tiêu đề ra vào năm 2050.
Theo đó, việc thông qua dự thảo Quy hoạch Điện VIII lại càng có ý nghĩa, không chỉ đối với sự phát triển của lĩnh vực năng lượng, mà còn đối với nền kinh tế Việt Nam, với những cam kết quốc tế mà Việt Nam đã đưa ra.
Xin cảm ơn ông!
Theo Bộ Công Thương, Quy hoạch Điện VIII, đã tính toán phương án thay thế đối với các dự án điện than, các dự án điện khó triển khai thực hiện,... Quy hoạch lần này cũng cơ bản đảm bảo cân đối giữa các vùng, miền; cân đối giữa các nguồn điện để bảo đảm hệ thống hoạt động ổn định, trên cơ sở phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời duy trì các nguồn điện khác. Quy hoạch cơ bản không phát triển hệ thống truyền tải liên miền đến năm 2030, đồng thời "mở" cho các nguồn nguyên liệu mới như hydro, amoniac. |
Nguồn Báo Công Thương