Khó khăn và lợi thế chuyển đổi tăng trưởng xanh
27/04/2022
Theo chia sẻ của Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Việt Nam có ba khó khăn và lợi thế trong tiến trình phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh.
Phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, nhất là từ khi chúng ta chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với cơ cấu lại nền kinh tế gắn phát triển nhanh với phát triển bền vững dựa vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, hạn chế sử dụng tài nguyên không có khả năng tái tạo. Từ đó, nhiều định hướng, chiến lược về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đã được ban hành và ngày 1/10/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”.
Trong đó, mục tiêu tổng quát của Chiến lược là tăng trưởng xanh, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa cacbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này cũng đặt ra những khó khăn, thách thức, cũng như thuận lợi cho các doanh nghiệp, các địa phương chúng ta.
Khó khăn thứ nhất, ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Dù đã kiểm soát khá tốt đại dịch, nhưng nó vẫn chưa hoàn toàn kết thúc, tác động của nó đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đời sống của người dân đang cần rất nhiều thời gian để khắc phục.
Khó khăn thứ hai, những biến động hết sức to lớn và bất ổn trong nền kinh tế, kể cả tình hình chiến sự Nga – Ukraine. Tất cả đều có tác động nhất định đến bức tranh kinh tế vĩ mô của thế giới và của Việt Nam, làm cho quá trình phục hồi kinh tế mong manh, tiềm ẩn nhiều rủi ro, buộc các nhà hoạch định chính sách và các địa phương không chỉ tính đến phát triển bền vững lâu dài, mà phải khắc phục những khó khăn, bất cập trước mắt đang đặt ra đối với doanh nghiệp, người dân và các địa phương.
Khó khăn thứ ba, quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng xanh chính là tăng trưởng bền vững. Dù là một xu hướng đúng của Đảng, Nhà nước ta, nhưng việc chuyển đổi này không hề dễ do năng lực, trình độ của chúng ta so với thế giới vẫn còn nhiều hạn chế. Nếu nhìn từ góc độ địa phương, không phải địa phương nào cũng sẵn sàng về hạ tầng chất lượng cao, công nghệ tiên tiến và cả về nguồn nhân lực có kỹ năng cao, để có thể tham gia ngay vào quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững. Đó là những khó khăn đang đặt ra đối với nền kinh tế, với các doanh nghiệp và với các địa phương.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang có ba lợi thế nhất định.
Một là, quyết tâm của Đảng, Nhà nước của Chính phủ trong việc đẩy nhanh chuyển đổi nền kinh tế sang hướng xanh, bền vững. Đây không chỉ là xu hướng chung của thế giới mà còn là nhu cầu bức thiết của Việt Nam. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, chúng ta tăng trưởng không phải bằng mọi giá, làm ảnh hưởng đến môi trường hay là làm cho bất bình đẳng xã hội gia tăng, mà chúng ta phải tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh, tăng trưởng sáng tạo, tăng trưởng bao trùm.
Hai là, nhận thức về sự cần thiết phục hồi, tăng trưởng xanh bền vững của các địa phương, các doanh nghiệp và người dân đang gia tăng rất lớn trong thời gian qua.
Ba là, tăng trưởng xanh là một xu hướng lớn và rất phổ biến trên thế giới. Các đối tác nước ngoài, Chính phủ các nước họ cũng đang trong quá trình tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, sự hợp tác với nhau đều theo hướng xanh, bền vững, bao trùm.
Nhiều nước không chấp nhận nhập khẩu những hàng hóa không được sản xuất theo quy trình thân thiện môi trường. Đồng thời, thực tế này cũng cho thấy xu hướng tăng trưởng xanh trên bình diện quốc gia, khu vực và toàn cầu đã, đang và sẽ tiếp tục mở ra nhiều lĩnh vực, hàng hóa và dịch vụ mới thân thiện với môi trường.
Điều này mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác cho các địa phương, doanh nghiệp cùng với các đối tác bên ngoài nhằm thúc đẩy quá trình hợp tác theo hướng bao trùm, bền vững.
Nguồn Vneconomy