Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 08:02 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Thương mại điện tử cất cánh cho sản phẩm OCOP

30/03/2022

Thương mại điện tử (TMĐT) đang dần trở nên phổ biến trong các hoạt động thương mại, tiêu dùng hiện nay. Nắm bắt xu thế này, nhiều hợp tác xã, hộ sản xuất đã chuyển dịch dần sang môi trường kinh doanh số và gặt hái nhiều thành công. 

Khi người nông dân “số hóa”

Sản xuất bánh đa vừng vốn là nghề truyền thống của gia đình anh Lê Văn Duẩn, giám đốc Hợp tác xã sản xuất và thương mại Nguyên Lâm (xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nhưng việc tiêu thụ vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Từ năm 2020, Hợp tác xã của gia đình anh tham gia chương trình OCOP với hai sản phẩm chủ lực là bánh đa vừng, miến vừng đen và đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Anh Duẩn cho biết: “Tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư hơn 400 triệu đồng để mua máy móc công nghệ mới, dựa trên nguồn nguyên liệu sạch, sẵn có của địa phương, sản phẩm chất lượng đồng đều, mẫu mã đẹp hơn. Từ sản lượng mỗi năm 900.000 bánh/ năm 2019, sau khi tham gia chương trình OCOP, năm 2021 sản phẩm được quảng bá trên các sàn TMĐT, mạng xã hội, hợp tác xã đã bán ra gần 2.000.000 bánh, doanh thu đạt 3,5 tỷ đồng”.

Từ khi tham gia OCOP và được quảng bá trên các kênh TMĐT, mạng xã hội, HTX Nguyên Lâm tăng doanh thu đạt gần 3,5 tỷ đồng/năm.

Không chỉ thị trường trong nước, cuối năm 2021 vừa qua, bánh đa vừng Nguyên Lâm còn được xuất khẩu sang Nhật Bản vào cuối năm 2021 với số lượng 64.000 tệp, trị giá lô hàng là 326 triệu đồng. Anh Duẩn cho biết đây là lô hàng đầu tiên trong 03 lô hàng ký với đối tác Nhật Bản trong đợt này. Sau khi chinh phục thành công thị trường khó tính này, các khách hàng tiếp theo mà HTX nhắm đến là Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và châu Âu.

Theo Sở Công Thương Hà Tĩnh, thời gian qua, thông qua các chương trình thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm do Bộ Công Thương kết nối với các sàn TMĐT, hệ thống siêu thị, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã đến tay nhiều người tiêu dùng trong cả nước. Một số sản phẩm như bánh đa, sứa, gạo, chè… đã có đơn hàng xuất khẩu ra nước ngoài ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn. 

Quảng Ninh cũng là địa phương có nhiều hoạt động đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua các kênh TMĐT. Hiện tỉnh đã có trên 330 sản phẩm OCOP được tiếp thị qua TMĐT, trung bình có trên 100 sản phẩm/năm. Số doanh nghiệp tham gia đạt trên 100 đơn vị, so với con số khoảng 50 doanh nghiệp những năm trước. Trung bình có khoảng 3.000 đơn hàng được đặt qua sàn, doanh thu 2-3 năm gần đây đạt từ 1-1,3 tỷ đồng/năm.

Lãnh đạo Trung tâm xúc tiến và phát triển Công thương tỉnh Quảng Ninh cho biết, kết quả này có được là nhờ sự nhanh nhạy nắm bắt thời cơ từ xu hướng tiêu dùng mới. Bên cạnh đó, các Trung tâm cũng tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quảng bá trên môi trường số, tiếp cận công nghệ. Cụ thể, các HTX, hộ kinh doanh đã được tập huấn livestream bán hàng, ứng dụng công nghệ mã vạch, QR code nhằm tăng tính minh bạch cho sản phẩm và củng cố lòng tin của người tiêu dùng. 

Cơ hội thị trường

Thương mại điện tử là lĩnh vực ghi nhận tăng trưởng ngoạn mục trong thời gian đại dịch, đi ngược lại xu hướng suy thoái của nhiều ngành kinh tế. Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), số lượng đơn hàng thanh toán qua ví điện tử tăng gấp 10 lần trong hai năm trở lại đây. Đến thời điểm hiện tại, khoảng một nửa dân số của Việt Nam đã và sẽ sẵn sàng mua sắm qua TMĐT.

Số liệu từ báo cáo “Thương mại điện tử năm 2021: Thích ứng và nhanh chóng vượt trở ngại từ COVID-19” cho biết trong đợt Tết Nguyên đán vừa qua, các sàn TMĐT ghi nhận sức mua tăng từ 40-100%. Cụ thể, doanh thu trên sàn Tiki trong 4 tuần trước Tết tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự, sàn Lazada cũng ghi nhận nhu cầu mua sắm tăng cao. Tại sàn Shopee, lượng người mua và đơn hàng tăng gần 100% trong dịp cao điểm cận và sau Tết.

Thương mại điện tử trong thời gian tới được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển mạnh và tạo xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Theo dự báo từ các chuyên gia, trong năm 2022 thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh và tạo xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi, dự báo nhu cầu mua sắm của một bộ phận người tiêu dùng sẽ tăng trở lại. Bên cạnh đó, các hệ thống hạ tầng đang được chú trọng xây dựng và hoàn thiện để tạo đà cho sự phát triển của thương mại điện tử. 

Ông Đặng Hoàng Hải cho biết, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang tập trung hoàn thiện hệ thống thanh toán điện tử và nâng cao chất lượng hoạt động vận tải, giao nhận hàng hóa, tạo dựng lòng tin đối với người tiêu dùng. 

Những yếu tố trên dự báo bức tranh toàn cảnh cho TMĐT trong nước giai đoạn 2022-2025 sẽ có nhiều bứt phá. Đây là cơ hội để doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tạo những bước đi mới, tiếp cận người tiêu dùng thông qua các kênh TMĐT và môi trường số khác.

Để nhà nông không hụt hơi

Đẩy mạnh số hóa là hướng đi bắt nhịp xu hướng và đã chứng minh nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, không có con đường chỉ trải hoa hồng. Để các sản phẩm OCOP, hay rộng hơn là sản phẩm đến từ làng quê Việt, đi xa hơn nữa trên môi trường số vẫn còn nhiều vấn đề phải làm. 

Để người nông dân không hụt hơi trong cuộc chơi TMĐT, cần sự hỗ trợ thúc đẩy của các Bộ, ngành, đơn vị xúc tiến thương mại địa phương.

Theo các chuyên gia nhận định, thách thức đầu tiên là rào cản công nghệ. Xu hướng tiêu dùng mới bắt buộc một sự tiếp thị số nhanh, mạnh và đa kênh mới có thể đáp ứng đòi hỏi liên tục phát sinh của người tiêu dùng. Để đáp ứng điều này, thành thạo công nghệ là điều bắt buộc. 

Yếu tố tiếp theo là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên môi trường TMĐT. Để thu hút người tiêu dùng, các doanh nghiệp, HTX, nông hộ cần chủ động và sáng tạo hơn nữa trong việc tiếp thị sản phẩm của mình không chỉ trên một, mà nhiều kênh cùng lúc như sàn TMĐT, website, mạng xã hội…

Chuyên gia cũng nhận định yếu tố tốc độ rất quan trọng trong việc giữ chân người tiêu dùng ngày nay. Việc rút ngắn thời gian giữa việc tiếp thị, trải nghiệm đến khi đặt hàng và thanh toán sẽ quyết định rất lớn đến việc người tiêu dùng có lựa chọn, hay quay lại với người bán hay không.

Để giải quyết những vấn đề này, ngoài sự cố gắng thay đổi của doanh nghiệp cần sự hỗ trợ lớn của các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị xúc tiến thương mại. Những chương trình, hoạt động giúp nâng cao năng lực công nghệ, tiếp thị cho doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh tại các địa phương nói chung đã và đang chứng minh hiệu quả nhất định. 

Bên cạnh đó, các chương trình quảng bá như gameshow như “Làng vui”, “Nhà nông vui vẻ”... đang giúp sức nhiều trong việc kéo người tiêu dùng đến gần người nông dân sản xuất, tạo ra hành trình thú vị với sản phẩm và cả vùng quê tạo ra sản phẩm. 

Việc duy trì thường xuyên các chương trình xúc tiến TMĐT trên quy mô lớn, như “Gian hàng Việt” mà Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và các sàn TMĐT đã thực hiện thời gian qua cũng sẽ tạo cầu nối đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP trong nước, giúp người nông dân giải quyết đầu ra và hạn chế phụ thuộc thị trường xuất khẩu.

Hải Yến