Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:24 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Phát triển kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường

11/03/2022

Hiện nay mô hình phát triển kinh tế truyền thống đang dẫn đến sự cạn kiệt tài nguyên, gia tăng chất thải gây ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy kinh tế tuần hoàn là mô hình phù hợp với sự phát triển bền vững, nhằm hạn chế mức thấp nhất trong việc phát sinh phát thải ra môi trường.
Hội nghị khoa học quốc tế các Nhà khoa học hàng đầu Ngành Trái đất - Mỏ - Môi trường đến từ Việt Nam, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Australia với chủ đề: “Đổi mới khoa học Trái đất, Kinh tế tuần hoàn và Tính bền vững”, The International Conference Hanoi Geoengineering 2022 “Innovative Geosciences, Circular Economy and Sustainability” diễn ra vào ngày 11/02 tại số 19, Lê Thánh Tông, Hà Nội. Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tham dự hội nghị , đồng thời nhấn mạnh, để góp phần phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19, giải quyết vấn đề sụp đổ hệ sinh thái, từ chỗ chỉ tập trung nghiên cứu, khám phá trái đất để phục vụ khai thác, sử dụng tài nguyên cho phát triển kinh tế-xã hội, các nhà khoa học cần nghiên cứu tường tận các quy luật tự nhiên để góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử của con người với tự nhiên theo hướng thuận thiên, tuân theo quy luật của tự nhiên.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhất mạnh đến sự phát triển kinh tế tuần hoàn
Trong những thập niêm trước, việc áp dụng mô hình phát triển kinh tế truyền thống, dựa trên nguyên lý khai thác tài nguyên từ môi trường tự nhiên làm đầu vào cho hệ thống kinh tế, sau quá trình sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường. Mô hình này dẫn đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gia tăng chất thải và gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Cho nên, khác với kinh tế truyền thống, kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế chú trọng đến quản lý tài nguyên và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc phát sinh chất thải.
Hướng đến chuyển đổi từ khai thác bóc lột tự nhiên sang đầu tư, phục hồi. Đặc biệt, cần thể hiện rõ vai trò tiên phong trong việc tìm ra những giá trị mới, đưa ra được những giải pháp khả thi về chôn lấp, lưu trữ carbon ở các mỏ đã khai thác; tìm kiếm các nguồn nguyên liệu sạch, năng lượng tái tạo. Đồng thời, phát hiện tiềm năng giá trị địa chất, địa mạo phục vụ phát triển kinh tế-xã hội thay thế cho khai thác tài nguyên thiên nhiên không tái tạo, đặt nền móng cho phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Để kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng quốc gia thịnh vượng, an toàn và bền vững. Các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp cần tìm ra các giải pháp tái tạo tài nguyên thiên nhiên, vật liệu thân thiện môi trường, vật liệu xanh, năng lượng tái tạo và năng lượng sạch (thủy điện, năng lượng thủy triều, gió, mặt trời và địa nhiệt); khai thác bền vững và sử dụng sáng tạo các năng lượng truyền thống (than, dầu và khí); khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, vốn tự nhiên, đa dạng sinh học và hệ sinh thái; du lịch sinh thái, bảo tồn di sản thiên nhiên; mô hình tích hợp sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; phân phối và sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Thời gian qua, đã có một số nghiên cứu điển hình về quá trình chuyển đổi của hoạt động nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả của nghiên cứu này đã đề xuất được các mô hình nông nghiệp phù hợp điều kiện tự nhiên, tăng cường và tối ưu hóa chu trình tuần hoàn của vật chất và năng lượng, đồng thời nâng cao giá trị của sản phẩm thu được. Đây là những nội dung áp dụng khoa học và liên ngành nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn từ quy mô hộ gia đình đến các vùng kinh tế tại đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai.
Ngoài ra, một số nghiên cứu đã đề xuất các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Viêt Nam như mô hình tích hợp Kinh tế-sinh thái-môi trường và giảm di cư tự do tại khu vực biên giới; Mô hình đô thị thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại Cần Thơ; Mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn tại Quốc Oai (Hà Nội). Đây là các kết quả bước đầu nhằm phát triển, tổng quát hóa và xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn trên phạm vi vùng, liên vùng và quốc gia trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các nghiên cứu về sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và tính bền vững, gắn liền với định hướng phát triển kinh tế-xã hội tuần hoàn, nâng cao tính bền vững của hệ thống tự nhiên, kinh tế-xã hội được đề xuất thực hiện.
Thực tế cho thấy, các giải pháp nhằm tái sử dụng các vật liệu nông nghiệp làm vật liệu hấp thu chất ô nhiễm, giảm thiểu tác động môi trường, ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo trong quản lý, giám sát và cảnh báo tai biến thiên nhiên, sử dụng các vật liệu xanh trong xây dựng, tái sử dụng chất thải nhiệt điện thành vật liệu xây dựng, tận dụng nước thải mỏ để thu hồi kim loại có ích đã phát huy tác dụng. Các giải pháp này phục vụ mục tiêu tăng cường tái sử dụng nguyên vật liệu trong các ngành sản xuất, nhằm hạn chế chất thải, hướng đến các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội tuần hoàn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và biến đổi toàn cầu.
Nhật Minh