Trong Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật mới nhất, vào năm 2030, Việt Nam có thể giảm tối đa 27% lượng phát thải, 250,8 triệu tấn CO2 tương đương. Mức giảm này gần bằng tổng phát thải của Việt Nam vào năm 2014....
Báo cáo năm 2021 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về Trao quyền để các thành phố hướng tới tương lai phát thải bằng không đã chỉ ra rằng, bằng cách tập trung vào các thành phố, đến năm 2050 sẽ giảm được gần 90% khí thải. Thay đổi như vậy sẽ tạo ra phân cấp rõ rệt hơn cho dân số của các thành phố, sức khỏe thể chất và tinh thần sẽ được cải thiện nhờ môi trường trong sạch hơn. Thay đổi cũng sẽ tác động lên điều kiện kinh tế xã hội qua việc có thêm các nguồn năng lượng tái tạo và hiệu quả hơn, cũng như số lượng công việc và chuyên môn được tạo ra từ những ngành năng lượng đang nổi này.
Giao thông ùn tắc tại các thành phố lớn làm tăng lượng phát thải
Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock cho biết USAID sẽ hỗ trợ sáng kiến Chỉ số Xanh nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia hành động vì môi trường. Dự kiến, Chỉ số Xanh sẽ được thực hiện lồng ghép với điều tra PCI (Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của USAID nhiều năm qua. Các địa phương ở thứ hạng cao có thể là địa bàn đầu tư mà các doanh nghiệp “xanh” muốn tìm đến, để hưởng lợi từ những chính sách chú trọng đến môi trường, phát triển bền vững, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất xanh, sạch.
Một vấn đề khiến nhiều người quan ngại chính là lượng phát thải CO2 toàn cầu từ các thành phố. Với dự báo 70% dân số toàn cầu sẽ sống ở đô thị vào năm 2050 và 70% lượng khí thải toàn cầu là từ các thành phố, các nước cần phải đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và phương thức tiếp cận nhằm đảm bảo bền vững hơn nữa.
Nghiên cứu nền tảng bền vững châu Á của Kantar năm 2021 chỉ ra rằng 53% người tiêu dùng bắt đầu ngừng mua sản phẩm, dịch vụ có tác động xấu lên môi trường và xã hội. Vì vậy, không chỉ các doanh nghiệp và ngành nghề lớn đang xem xét những lựa chọn thay thế thân thiện với môi trường khi tìm kiếm nguồn năng lượng, mà nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ sạch và bền vững hơn cũng mở rộng. Đánh giá của Kantar Worldpanel năm 2020 nhấn mạnh rằng bền vững nằm trong nhóm 5 mối quan tâm hàng đầu của người Việt, cho thấy vai trò quan trọng của cá nhân trong việc định hướng nghị sự về biến đổi khí hậu.
Sáng kiến từ Youth4Climate và GreenID của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) là ví dụ về việc các tổ chức đang tìm cách ủng hộ và tạo diễn đàn cho thế hệ trẻ lên tiếng. Youth4Climate đã ra mắt Cổng thông tin về biến đổi khí hậu cho thanh niên nhằm nâng cao nhận thức cho giới trẻ, đồng thời trao quyền và hỗ trợ mạng lưới thanh niên hành động vì khí hậu nhằm thúc đẩy phong trào sử dụng năng lượng bền vững ở Việt Nam.
Nỗ lực giảm thiểu lượng phát thải để phát triển bền vững kinh tế
Bà Morgane Rivoal, viên chức về Biến đổi khí hậu và Kinh tế tuần hoàn thuộc UNDP tại Việt Nam, nhận định khía cạnh chính của sáng kiến Youth4Climate ở Việt Nam là “mở rộng hiểu biết của giới trẻ về những thách thức liên quan mật thiết với biến đổi khí hậu, đồng thời bồi đắp năng lực để giới trẻ có thể đảm nhận và dẫn dắt các hành động vì khí hậu”.
Theo kết quả nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch” có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 4%/năm. Chẳng hạn, đối với ngành hàng thực phẩm và nước giải khát, mức tăng trưởng nhanh hơn so với toàn thị trường từ 2,5-11,4%. Đồng thời, doanh số bán hàng của các thương hiệu cam kết ưu tiên tính bền vững tăng gấp 4 lần so với những đối thủ không có cam kết này.
Nhật Minh