Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 19/01/2025 | 10:38 GMT+7

Tin hoạt động

Hỗ trợ tăng trưởng xanh trong việc áp dụng Hóa học xanh tại Việt Nam

07/03/2022

Ngày 23/02 Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) vừa phối hợp với Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện dự án “Áp dụng Hóa học xanh tại Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh và giảm thiểu việc sử dụng và giảm phát thải các hóa chất hữu cơ khó phân hủy và hóa chất nguy hại” do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất chia sẻ, công nghiệp hóa chất hiện diện ở khắp nơi. Đây là dự án có đóng góp các kết quả rất quan trọng cho Bộ Công Thương và Cục Hóa chất, góp phần hỗ trợ xây dựng “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”. Ngoài ra, ngành hóa chất đang có kế hoạch xây dựng tổ hợp công nghiệp hóa chất nhằm hướng đến quản lý môi trường, quản lý an toàn hóa chất một cách tốt hơn trong thời gian tới.
Toàn cảnh Hội nghị được diễn ra
Công nghiệp hóa chất phát triển nhanh chóng và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp hóa chất hiện nay là 10% (2010-2020). Ngành công nghiệp hóa chất và các chuỗi cung ứng liên quan đóng góp khoảng 11,2% giá trị sản xuất công nghiệp quốc gia và tạo việc làm cho khoảng 10% lực lượng lao động của toàn ngành công nghiệp Việt Nam. Bên cạnh những đóng góp tích cực của ngành công nghiệp hóa chất đối với nền kinh tế của đất nước, gần đây, mức độ quan tâm của hóa chất được đo trong môi trường ngày càng tăng và nhiều sự cố hóa chất đang xảy ra trên toàn quốc.
Ông Patrick Harverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam đưa ra các khuyến nghị nhằm tiếp tục thúc đẩy hóa chất xanh ở Việt Nam. “Điều quan trọng là chúng ta cần đưa hóa học xanh vào Luật Hóa chất 2007 sắp được sửa đổi trong thời gian tới. Hóa học xanh không chỉ mang lại các lợi ích về môi trường mà cả các cơ hội cho các doanh nghiệp như giảm việc sử dụng nước, tiết kiệm năng lượng, tạo các cơ hội cạnh tranh để doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy tài chính xanh như các khoản vay xanh hoặc trái phiếu xanh cũng rất cần thiết để khuyến khích các khu vực tư nhân huy động nguồn lực, thúc đẩy đầu tư vào hóa học xanh sản xuất sạch hơn. Cuối cùng, giáo dục và đào tạo về hóa học xanh là điều cốt lõi để đảm bảo có thể triển khai hóa học xanh trong thực tế một cách hiệu quả” – ông Patrick Harverman cho hay.
Dự án “Áp dụng Hóa học xanh tại Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh và giảm thiểu việc sử dụng và giảm phát thải các hóa chất hữu cơ khó phân hủy và hóa chất nguy hại” được thực hiện từ năm 2017 tới 2021. Dự án đã đạt được các kết quả chính gồm giảm 6,3kg thủy ngân phát thải ra môi trường, loại bỏ được 1.578 tấn nguyên vật liệu sản phẩm chứa POP, hơn 3,6 tấn chất POP nguyên chất, giảm phát thải 1.072 tấn CO2.
Dự án đã hỗ trợ áp dụng hóa học xanh trong ngành sơn và ngành mạ điện, 4 dây chuyền công nghệ mới gồm 1 dây chuyền mạ kẽm kiềm trao crom 3+ thụ động, 1 dây chuyền mạ kẽm kiềm quay crom 3+ thụ động, dây chuyền sơn phủ kẽm, hệ thống thiết bị sản xuất sơn hiệu năng cao. Tổng năng lượng tiết kiệm được là 1.134.000GJ tương đương 42.000 tấn than. 65 doanh nghiệp hưởng lợi từ dự án. Ba trường đại học tham gia trực tiếp vào dự án Hóa học xanh với sự tham gia của hơn 210 sinh viên tham gia các khóa đào tạo. Ngoài ra, dự án cũng đóng góp vào việc rà soát, kiến nghị lồng ghép các nguyên tắc của HHX vào Luật hóa chất sửa đổi và dự thảo “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”. Dự án đã thành lập Mạng lưới chuyên gia HHX được đặt tại Hội hóa học Việt Nam.
Vinh danh các sinh viên đạt giải Cuộc thi toàn quốc về nâng cao nhận thức về Hóa học xanh trong sinh viên
Tại hội thảo, các sinh viên đạt giải cuộc thi toàn quốc về nâng cao nhận thức về Hóa học xanh trong sinh viên đã được vinh danh. Dự án HHX nhằm kiến tạo môi trường thuận lợi cho việc giới thiệu hóa học xanh và những ứng dụng hóa học xanh cho các ngành sản xuất tại Việt Nam nhằm mục tiêu giảm thiểu việc sử dụng và phát thải các hóa chất thuộc danh mục kiểm soát của Công ước Stockholm (về POPs) và Công ước Minamata (về thủy ngân). Dự án có sự hỗ trợ của UNDP tại Việt Nam và được tài trợ bởi Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF).
Theo báo Công Thương