Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:53 GMT+7

Tin hoạt động

Đề xuất Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh quốc gia

02/03/2022

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của người dân về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050".
Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Để cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. 
Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 chia thành 19 chủ đề cơ sở, với 70 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 224 nhiệm vụ, hoạt động. 
Dự thảo Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, phân tích bối cảnh mới; cụ thể là cam kết phát thải ròng bằng "0" của Việt Nam tại Hội nghị COP26, xem xét các chiến lược thúc đẩy phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch, lấy kinh tế xanh và kinh tế số là hai động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và phục hồi xanh, thúc đẩy giao thoa thương mại hàng hóa, công nghệ và tính bền vững. Bên cạnh đó, xem xét, cập nhật hệ thống quy hoạch chiến lược, kế hoạch hiện hành và tích hợp các nội dung đã có nhằm tạo sự đồng bộ, tương thích, bổ trợ, khả thi trong triển khai; từ đó tạo cơ sở huy động hiệu quả nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội hài hòa với môi trường, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu. 
Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 chia thành 19 chủ đề cơ sở, với 70 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 224 nhiệm vụ, hoạt động. 
Như vậy, so với 4 chủ đề như giai đoạn trước, Kế hoạch giai đoạn 2021-2030 đã có những bổ sung ở các ngành và lĩnh vực gồm: năng lượng và công nghiệp; giao thông vận tải; xây dựng; nông nghiệp và phát triển nông thôn; quản lý chất thải; quản lý chất lượng không khí; quản lý tài nguyên nước, tài nguyên đất và đa dạng sinh học; khoa học công nghệ; du lịch; kinh tế biển xanh; tiêu dùng và mua sắm bền vững; các vấn đề xã hội. 
Để hướng tới Lộ trình đưa phát thải ròng về "0" (PTR0), một số nội dung quan trọng sẽ được nhấn mạnh và đẩy nhanh trong Kế hoạch gồm: năng lượng và công nghiệp; giao thông; xây dựng; nông - lâm nghiệp; quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. 
Theo Dự thảo, Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Trưởng ban và các thành viên là đại diện các Bộ, chỉ đạo thực hiện triển khai nhiệm vụ theo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo được ban hành cùng Kế hoạch hành động. 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối về tăng trưởng xanh, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; hướng dẫn, giám sát, đánh giá, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xác định và phân bổ nguồn tài chính trong nước và điều phối các nguồn tài trợ của nước ngoài, cơ chế chính sách thúc đẩy thực hiện Chiến lược tăng tươrng xanh. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chịu trách nhiệm chủ trì và phối hợp thực hiện các hoạt động. 
Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến đóng góp của người dân với dự thảo tại đây
An Nhiên