Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:15 GMT+7

Tin hoạt động

Nhân rộng dự án theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực môi trường

14/12/2021

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay đã có 18 dự án cấp, thoát nước, môi trường với tổng mức đầu tư 21.716 tỷ đồng được triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP). So với lĩnh vực khác, đây là con số không nhỏ, cho thấy sức hấp dẫn của dự án môi trường đối với nhà đầu tư. Làm thế nào để ngày càng nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực này?
Nhu cầu đầu tư rất lớn
Việc đầu tư phát triển hệ thống xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ trước tới nay chủ yếu huy động nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hiện tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên cả nước phát sinh khoảng hơn 61.000 tấn/ngày, trong đó khối lượng phát sinh tại khu vực đô thị là hơn 37.000 tấn/ngày, khu vực nông thôn hơn 24.000 tấn/ngày. Các địa phương có khối lượng CTRSH phát sinh lớn như TP.HCM (9.000 tấn/ngày), Hà Nội (6.500 tấn/ngày)… Trong khi đó, tỷ lệ CTRSH được xử lý đúng kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh môi trường còn rất thấp. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện công nghệ xử lý CTRSH còn lạc hậu và chưa phù hợp với điều kiện thực tế, chủ yếu là chôn lấp và đốt.
Theo Bộ Xây dựng, cả nước cần triển khai hơn 230 dự án lĩnh vực môi trường, trong đó có 143 dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý CTRSH với tổng vốn đầu tư khoảng 21.600 tỷ đồng. “Việc đầu tư phát triển hệ thống xử lý CTRSH từ trước tới nay chủ yếu huy động nguồn vốn ngân sách nhà nước, trong khi nguồn vốn của khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư còn rất khiêm tốn”, Bộ Xây dựng cho biết.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đầu tư theo phương thức PPP là một cơ chế tốt để khai thác nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Theo chuyên gia môi trường Vũ Thanh Ca, việc triển khai dịch vụ xử lý CTRSH theo phương thức PPP là lựa chọn phù hợp với tình hình của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, cơ chế triển khai dịch vụ này vẫn chủ yếu được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, còn tiềm ẩn nhiều thách thức. Tận dụng phương thức PPP, Nhà nước vừa đảm bảo quyền sở hữu, quyền giám sát mà vẫn huy động được nguồn vốn đầu tư, công nghệ và kinh nghiệm quản lý từ khu vực tư nhân.
Công nghệ là ưu tiên, nỗ lực của nhà đầu tư là nền tảng
Gần đây, UBND tỉnh An Giang đã quyết định hủy kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Xử lý chất thải rắn TP. Châu Đốc và Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn cụm Phú Tân. Đây là 2 dự án đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao) với tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng. Lý do hủy kết quả là thương thảo hợp đồng không thành công với nhà đầu tư sau 2 năm đàm phán. Cả 2 dự án lựa chọn nhà đầu tư thông qua chỉ định thầu - hình thức ít cạnh tranh nhất. Do đó, khi thương thảo hợp đồng, nếu nhà đầu tư không chấp thuận những phương án mà tỉnh An Giang đưa ra, địa phương không còn lựa chọn nào khác.
Trong khi đó, cũng lựa chọn nhà đầu tư dự án xử lý chất thải, TP.HCM ưu tiên đấu thầu rộng rãi và đã khởi công 3 dự án: Nhà máy Xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày của Công ty CP Vietstar; Nhà máy Công nghệ đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày của Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa; Cụm nhà máy Xử lý CTRSH 500 tấn/ngày, chất thải công nghiệp 500 tấn/ngày, chất thải nguy hại 120 tấn/ngày của Công ty CP Môi trường Tasco Củ Chi.
“Ưu tiên số 1 là công nghệ đốt rác phát điện hiện đại, công suất cao, thân thiện môi trường. Ưu tiên thứ 2 là cơ chế chia sẻ rủi ro giữa chính quyền và nhà đầu tư phải cân bằng, minh bạch. Muốn có được những yếu tố này, hồ sơ mời thầu phải chuẩn bị kỹ càng, chi tiết và tạo môi trường thuận lợi cho tất cả các nhà đầu tư”, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM khẳng định.
Ông Ngô Xuân Tiệc, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa nhận định, dự án PPP về môi trường sắp tới sẽ được nhân rộng do nhu cầu bức thiết đảm bảo môi trường sống trong lành cho người dân. Dự án PPP môi trường hoàn toàn khả thi nếu như bài toán rủi ro tài chính được chia sẻ sòng phẳng. Quá trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án càng minh bạch, rộng rãi thì nhà đầu tư càng mạnh dạn cạnh tranh về công nghệ.
Hàng loạt dự án lớn về xử lý CTRSH đang được các địa phương cấp tập mời thầu theo phương thức PPP. Có thể kể đến Đà Nẵng với Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn 1.000 tấn/ngày đêm tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn. Đây là dự án nhóm B, công trình xử lý rác thải có tổng mức đầu tư dự kiến 823,526 tỷ đồng. Tổng diện tích Dự án 29.059 m2, trong đó, diện tích xây dựng Nhà máy là 12.597 m2. Liên danh Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland - Công ty CP Phát triển Sản xuất và Xuất nhập khẩu Huy Hoàng - Công ty CP Môi trường Huy Hoàng Eco đáp ứng sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thực hiện Dự án…
Nguồn Báo Đấu thầu