Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 21/12/2024 | 21:20 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Doanh nghiệp Đồng Nai ưu tiên sản xuất “xanh” vì môi trường

10/01/2022

Nắm bắt nhu cầu sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường của người tiêu dùng, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã mạnh dạn đầu tư vào công nghệ, nguyên vật tạo ra sản phẩm có giá trị.
Không chỉ từng bước hướng đến sự phát triển bền vững, xu hướng này góp phần khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường với cộng đồng, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống.
Thay đổi vì môi trường
Sau thời gian dài nghiên cứu, thử nghiệm tháng 5-2021, Công ty Nestlé Việt Nam (KCN Biên Hòa 2) đã cho ra mắt sản phẩm sữa uống liền dùng ống hút giấy. Đây là dòng sản phẩm sữa uống liền đầu tiên trên thị trường có ống hút thân thiện với môi trường.
Sản xuất sợi tại Công ty cổ phần Dệt Texhong.
Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết, thời gian đầu công ty gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên liệu, tổ chức sản xuất và truyền thông. Nhưng đến nay, sản phẩm sữa Milo uống liền dùng ống hút giấy đã có mặt trên các kệ hàng từ siêu thị, đại lý bán lẻ cho đến cửa hàng tạp hóa. Ống hút giấy có nguồn gốc từ thực vật, dễ dàng phân hủy và an toàn với người sử dụng. DN đặt mục tiêu hoàn thành chuyển đổi 100% sữa uống liền sang ống hút giấy vào tháng 5-2022. Khi đó, DN sẽ giảm được gần 700 tấn rác thải nhựa/năm.
Công ty Ajinomoto Việt Nam (KCN Biên Hòa 1) là DN có nhiều nỗ lực hướng đến sản xuất “xanh”. Công ty này sử dụng Lò hơi sử dụng trấu ép làm nhiên liệu đốt giúp giảm hơn 50% lượng khí thải CO2 có hại cho môi trường. Bên cạnh đó, công ty còn duy trì 3T (Tiết giảm, Tái chế và Tái sử dụng) đối với chất thải rắn nhằm tiết kiệm chi phí và giảm phát thải ra môi trường; tiết kiệm tài nguyên nước bằng tái sử dụng nước làm mát, xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường.
Ông Thái Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai cho biết, thực hiện chủ trương của tỉnh và cũng nhằm giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản xuất, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã và đang chủ động cải tiến trang thiết bị, sử dụng nguyên vật liệu, nhân lực theo hướng tiết kiệm, bền vững. Không chỉ nâng cao giá trị cạnh tranh cho sản phẩm, uy tín của DN, sự thay đổi này còn góp phần gia tăng sản phẩm xanh, sạch đáp ứng thị hiếu mới của người tiêu dùng.
Chẳng hạn Công ty TNHH Cargill Việt Nam (TP Biên Hòa) hợp tác với nông dân thu mua đậu nành, ca cao, cà phê thay vì nhập khẩu từ châu Phi, Bắc Mỹ; công ty này cũng đặt mục tiêu giảm 30% khí thải nhà kính, giảm phát sinh chất thải đồng thời thu hồi và tái chế các loại bao bì và hỗ trợ nông dân tiết kiệm nước tưới, sản xuất và chăn nuôi an toàn, hiệu quả. Công ty TNHH Pouchen (TP Biên Hòa), hợp tác với DN tái chế để hạn chế phát thải; Công ty Nestlé cung ứng bã cà phê, tro sỉ, bùn thải từ hoạt động sản xuất cà phê cho DN sản xuất gạch không nung; Công ty CP Sữa Vinamilk cải tiến sử dụng vật liệu nhựa, hộp giấy đóng sữa thay cho hộp thiếc…
Nỗ lực nhân rộng mô hình
Để phát triển mô hình sản xuất “xanh” vì môi trường, từ năm 2020 Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất sạch hơn. Hằng năm, Sở Công Thương xây dựng kế hoạch hỗ trợ DN sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; đổi mới thiết bị và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo đánh giá của Sở Công Thương Đồng Nai, việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và giảm phát thải ra môi trường được khá nhiều tập đoàn lớn áp dụng mang lại hiệu quả tích cực. Nhưng các DN quy mô nhỏ hơn còn nhiều khó khăn. Nhiều DN chưa quan tâm đến phát triển bền vững.
Đại diện DN sản xuất giày da TP.Biên Hòa cho rằng, để chuyển đổi hàng ngàn máy may đang sử dụng sang loại máy có công suất lớn, ít tiêu hao năng lượng, không ồn là điều không dễ vì chi phí đầu tư lớn. Bên cạnh đó là rào cản kỹ thuật và công nghệ đối với công nhân vận hành máy và người lao động. Do đó, DN chỉ có thể từng bước đổi mới máy móc, thuê chuyên gia nghiên cứu cải tiến máy nhằm nâng cao hiệu suất và giảm tiêu hao điện.
Bà Châu Bá Cầm, Tổng giám đốc Công ty CP Dệt Texhong, việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất không chỉ nâng cao chất lượng cho sản phẩm, tiết giảm tối đa lao động, chi phí về mặt bằng, nhà xưởng, mà còn bố trí quản lý một cách khoa học, đặc biệt giải quyết được điểm yếu của ngành dệt nhuộm về môi trường nhờ triệt tiêu được lượng lớn khí thải, nước thải và chất thải rắn. Ngoài ra, công nghệ mới còn giúp DN rút ngắn thời gian sản xuất, nhờ đó bắt kịp với xu hướng của thị trường, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm... Do đó DN đang và sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Đổi mới công nghệ, sử dụng tài nguyên và năng lượng hiệu quả để tạo ưu thế cạnh tranh và góp phần bảo vệ môi trường là tất yếu. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ kinh phí, nguyên liệu, đến ý thức trách nhiệm của DN. Việc các DN xây dựng lộ trình từng bước áp dụng giải pháp công nghệ sạch, vật liệu thân thiện vào sản xuất là tín hiệu đáng mừng.
Theo: Quân đội Nhân dân