Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 14:52 GMT+7

Tin hoạt động

Bến tre: Cây dừa và sự phát triển bền vững, sản xuất sạch hơn

05/12/2014

Cụ thể, trước nhu cầu tiêu thụ cao các sản phẩm từ dừa của thế giới, nhất là mặt hàng cơm dừa nạo sấy, giá cơm dừa nạo sấy trên thế giới đã liên tiếp tăng từ 1.110 USD/tấn (tháng 9-2009) đến mức cao nhất là 3.145 USD/tấn (vào tháng 5-2012), từ đó đã kéo theo diễn biến giá dừa trái thế giới tăng từ 1.440 đồng/trái (từ tháng 9-2009) đến 7.160 đồng/trái (vào tháng 6-2011). Khi ấy, giá cơm dừa nạo sấy xuất khẩu của Bến Tre cũng nhảy vọt từ 1.050 USD/tấn lên đến 3.070 USD/tấn, giá dừa trái cũng tương ứng tăng liên tiếp từ 3.050 đồng/trái đến 10.667 đồng/trái.

Nỗ lực của doanh nghiệp


Đối với hoạt động sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã có những bước tiến đáng kể qua quá trình nỗ lực, phấn đấu chuyển giao công nghệ cải tiến và tiếp cận với thị trường thế giới. Có thể kể đến Nhà máy chế biến dừa Thành Vinh với việc áp dụng giải pháp sản xuất sạch hơn; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre tích cực thâm nhập, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu.


Sản xuất sạch hơn là một phương thức sản xuất nhằm giúp các doanh nghiệp vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Chương trình này được tổ chức môi trường Liên hiệp quốc đưa ra từ năm 1989 và khởi xướng trên toàn cầu. Năm 2008, Nhà máy chế biến dừa Thành Vinh đã tiếp cận với chương trình trên nhằm đạt các mục tiêu: giảm tiêu thụ nước, điện, nhiên liệu, đầu tư lò hơi đốt gáo dừa để thu than hoạt tính, cải thiện nâng cấp nhà xưởng, xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung. Ngoài những lợi ích trên, doanh nghiệp còn vận dụng cơ hội này để nâng cao năng lực quản lý, năng lực sản xuất, có khả năng kiểm soát chặt chẽ quá trình vận hành sản xuất, cải thiện môi trường làm việc, đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Đây là tiền đề quan trọng và là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp xây dựng và áp dụng thành công Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 22.000:2005 nhằm tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng cao và đồng đều, đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu vào các thị trường khó tính như Châu Âu, Hoa Kỳ… và hướng đến mục tiêu lâu dài trở thành một nhà sản xuất chuyên nghiệp, đạt tiêu chuẩn quốc tế.


Mở rộng thị trường, đẩy mạnh kênh tiêu thụ cũng là một trong những thành công đáng phấn khởi của ngành dừa Bến Tre trong 5 năm qua. Hiện nay, chỉ tính riêng mặt hàng cơm dừa nạo sấy, Bến Tre đã có nhiều đối tác đến từ trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nếu xếp loại thị trường tiềm năng, trước nhất là thị trường Ai Cập, Nam Phi, Thái Lan, Arabia Saudi… Đơn vị có nhiều công lao trong quá trình tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu mặt hàng dừa, đặc biệt cơm dừa nạo sấy là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre. Đây là công ty đầu tiên của Việt Nam thiết lập mối quan hệ tiêu thụ mặt hàng cơm dừa nạo sấy tại Ai Cập. Công ty này đã xây dựng hệ thống tiêu thụ với trên 10 đối tác lớn tại Trung Đông, với sản lượng xuất khẩu 10 ngàn tấn/năm, trị giá 15 triệu USD.


Đầu tư phát triển ngành dừa

Hiệp hội Dừa Việt Nam được thành lập nhằm phát huy vai trò là cầu nối giữa “Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà nghiên cứu”. Ở tỉnh cũng đã thành lập tổ chức Hiệp hội Dừa Bến Tre. Thời gian qua, Hiệp hội Dừa tham mưu cho các sở, ngành và UBND tỉnh để kịp thời tác động cho ngành dừa ổn định và phát triển.


Từ việc nhận định cây dừa là cây truyền thống, biểu tượng của quê hương, đồng thời với sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến dừa, tỉnh Bến Tre đã có chủ trương khôi phục và phát triển vườn dừa; định hướng phát triển ngành công nghiệp dừa là một trong hai ngành chủ lực của tỉnh (ngành còn lại là thủy sản).


Tỉnh đã nắm bắt thời cơ để vận dụng đạt hiệu quả bước đầu trong phát triển ngành công nghiệp dừa. Đó là kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư lĩnh vực chế biến, sản xuất các sản phẩm từ dừa vào tỉnh, mà nhất là tại các khu công nghiệp. Đến thời điểm này, Bến Tre thu hút trên 40 dự án có nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Các dự án này đầu tư lớn trên nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành dừa. Gần đây, tỉnh có các doanh nghiệp FDI đầu tư và hoạt động mạnh trên lĩnh vực sản xuất các sản phẩm từ dừa với giá trị xuất khẩu cao, như Công ty chế biến dừa, Thế Giới Việt… Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp này đã góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dừa của tỉnh.


Ngành dừa Bến Tre đã chủ động trong việc nắm bắt thời cơ có được từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy tiềm năng và thế mạnh sẵn có để phát triển và mở rộng thị trường quốc tế. Ngược lại, những kết quả gặt hái được ở bước đầu đã đánh giá sự nỗ lực không ngừng và là động lực để người trồng dừa, doanh nghiệp cùng Nhà nước, nhà nghiên cứu tiếp tục phấn đấu.


Những thách thức


Thách thức lớn nhất đã bộc lộ là ngành dừa đang đứng trước tác động của cơ chế thị trường. Tỉnh ta đã không ít lần đối mặt với thách thức này, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý nguồn nguyên liệu, duy trì sự ổn định về giá cả.

Tại thời điểm này, sự sụt giảm của giá dừa trong tỉnh (theo giá thị trường thế giới) đã chi phối lớn đến hoạt động sản xuất, đời sống của công nhân và sự phát triển kinh tế địa phương. Ngành dừa bộc lộ nhiều yếu kém từ khâu sản xuất nguyên liệu, tạo ra sản phẩm, phân phối, xúc tiến thương mại, đầu tư công nghệ và vốn…


Trước thực trạng đó, tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình hội thảo, đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài để khắc phục các điểm yếu và ứng phó với các thách thức do hội nhập thế giới. Các giải pháp lớn được đặt ra: trồng xen, nuôi xen để nâng cao năng suất, tăng thu nhập trên cùng diện tích vườn dừa; nâng cao chuỗi giá trị cây dừa dựa trên sự gắn kết từ khâu trồng trọt đến sản xuất và tiêu thụ; phát triển công nghiệp chế biến; phát triển thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa… Bên cạnh đó là việc xây dựng các chính sách phù hợp để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển ngành dừa... Nhà nước cũng đã hỗ trợ giá dừa cho nông dân bằng cách tổ chức kiểm tra, kêu gọi doanh nghiệp tăng cường sản xuất, thu mua cho dân với giá hợp lý.