Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 13:07 GMT+7

Tin hoạt động

Hướng tới phát triển kinh tế xanh bằng mục tiêu và hành động cụ thể

01/11/2021

Các ngành kinh tế, sản xuất xanh sẽ từng bước hạn chế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường; phát triển công nghệ xanh, hệ thống quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất theo kinh nghiệm thực hành tốt để tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, cải thiện môi trường sinh thái.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. ẢnhL VGP.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 29/10. 

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) sẽ diễn ra trong vài ngày tới tại Vương quốc Anh thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hành động thiết thực, cụ thể. 

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với các mục tiêu tham vọng nhằm đưa Việt Nam đi tắt đón đầu, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, hướng tới khát vọng thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội là minh chứng rõ nét nhất về việc Việt Nam đã quyết tâm lựa chọn cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo định hướng tăng trưởng xanh làm định hướng cho tương lai đất nước hướng tới các mốc quan trọng vào năm 2030, năm 2045 và những năm tiếp theo, tạo ra cơ hội lớn để Việt Nam có thể tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. 

Mục tiêu đặt ra là cường độ phát thải trên GDP so với năm 2014 giảm ít nhất 15% đến năm 2030, 30% đến năm 2050. Tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95% đến năm 2030. Tỉ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại. 

Các ngành kinh tế, sản xuất xanh sẽ từng bước hạn chế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường; phát triển công nghệ xanh, hệ thống quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất theo kinh nghiệm thực hành tốt để tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, cải thiện môi trường sinh thái. 

Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học giáo dục tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, các bộ, ngành cần xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách; phối hợp liên vùng, liên ngành; tích hợp mục tiêu, giải pháp tăng trưởng xanh để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tối ưu hóa nguồn lực, đặc biệt trong xây dựng hạ tầng đa mục tiêu. Đồng thời, phát triển các ngành xanh; cắt giảm, chuyển đổi khỏi hoạt động đầu tư cản trở nỗ lực giảm nhẹ; nâng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chú trọng các vùng dễ bị tổn thương. 

Cũng theo ông Việt Anh, để huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh, cần hoàn thiện chính sách, công cụ huy động nguồn lực, hỗ trợ, ưu đãi tài chính; phát triển thị trường vốn, thị trường tín dụng, bảo hiểm xanh, thị trường carbon hướng tới phát triển đồng bộ hệ thống thương mại khí thải theo cơ chế thị trường. Ngoài việc ưu tiên nguồn lực đầu tư từ ngân sách cho tăng trưởng xanh, cũng cần huy động các định chế tài chính, quỹ, nhà đầu tư tư nhân quốc tế. Đặc biệt, khuyến khích khu vực tư nhân, hợp tác giữa Nhà nước - tư nhân, nhà đầu tư trong - ngoài nước trong các dự án xanh, áp dụng công nghệ, giải pháp chuyển đổi xanh. 

Hình ảnh tại Hội nghị. ẢnhL VGP.

Về phía địa phương, Hải Phòng là thành phố đầu tiên xây dựng, triển khai Kế hoạch tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 và đạt được một số kết quả nhất định, từ đó, đóng góp cho thành công trong việc thu hút đầu tư, phát triển bền vững phù hợp với điều kiện kinh tế phát triển của địa phương. 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam kiến nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm nghiên cứu xây dựng, ban hành kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, cơ sở dữ liệu, hệ thống chỉ tiêu thống kê về tăng trưởng xanh và “Chỉ số tăng trưởng xanh tổng hợp” để các tỉnh, thành phố có cơ sở xây dựng và triển khai, đánh giá tình hình thực hiện tại địa phương. 

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, hành động để triển khai nhận thức về tăng trưởng xanh có ý nghĩa thực tiễn quan trọng. Nhằm đạt các mục tiêu, chỉ tiêu, cần thực hiện đồng bộ, tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp, đặc biệt trong bối cảnh các thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu, sự chênh lệch trình độ phát triển giữa các quốc gia có chiều hướng ngày càng gia tăng. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh; tổ chức xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh cũng như các nội dung quan trọng khác được giao thực hiện.

Nguồn Báo Chính phủ