Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 15/01/2025 | 15:36 GMT+7

Điển hình

Xanh hoá ngành dệt may, một góc nhìn từ mô hình ESCO

27/10/2021

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp may mặc ngày càng được nhận thức rõ hơn về vai trò của mình trong sự nóng lên toàn cầu. Tính riêng hai lĩnh vực sản xuất lớn là quần áo và giày dép đã chiếm từ 4% - 10% sản lượng carbon toàn cầu. Từ nhận thức này, cộng với áp lực chuyển đổi xanh của các Chính phủ và người tiêu dùng, các nhãn hàng thời trang cũng đang tìm mọi cách để giảm lượng phát thải CO2 trong chuỗi cung ứng và từng sản phẩm cuối đến tay người tiêu dùng. Các nhà cung cấp, theo đó, tất nhiên cũng phải cải tiến để phù hợp với yêu cầu khách hàng.

Với sự phát triển của KHCN, chi phí sản xuất pin năng lượng mặt trời đã giảm đáng kể. Thêm vào đó, các thuận lợi về chính sách của chính phủ, như Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về khuyến khích phát triển ĐMT, đã góp phần tạo ra nhiều thuận lợi để thị trường hình thành hệ sinh thái dịch vụ năng lượng mặt trời, đặc biệt về khía cạnh tài chính. Từ đây, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội, tích cực chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo. 

Dự án ĐMT áp mái công suất 1 MWp tại Nhà máy Saigon Jim Brothers', Bình Dương. Ảnh: SolarESCO.

Nhà máy Saigon Jim Brother’s (Bình Dương) nằm trong chuỗi cung ứng chiến lược của các thương hiệu toàn cầu như Adidas. Một trong các tiêu chí mà Nhà máy hướng đến là sản xuất ít phát thải hơn. Với mục tiêu đó, Saigon - Jim Brother’s đã bắt tay với SolarESCO (Tập đoàn SolarBK) để thực hiện giải pháp ĐMT áp mái theo mô hình ESCO. 

Trong dự án này, SolarESCO trực tiếp phát triển và đầu tư hệ thống ĐMT áp mái sử dụng tấm pin IREX do nhà cung cấp này sản xuất để thiết kế và thi công hoàn thiện từ yêu cầu của Saigon Jim Brother’s. Hệ thống được đóng điện máy chính thức vào năm 2020, có công suất lên tới 1MWp, sản lượng khoảng 1,460 MWp/năm. Theo tính toán, hệ thống ĐMT áp mái này giúp Nhà máy giảm tương đương 952 tấn CO2/năm. 

Một ví dụ khác, Công ty TNHH May Oasis (Nhà Bè, Tp. Hồ Chí Minh) cũng lựa chọn giải pháp ĐMT áp mái theo mô hình ESCO để đạt mục tiêu giảm phát thải CO2 trên từng đơn vị sản phẩm. Được biết, Nhà máy này là đơn vị cung cấp nhiều sản phẩm may mặc và phụ kiện may mặc cho các thị trường lớn như châu Âu, châu Mỹ, châu Á… Theo Tổng Giám đốc Oasis, ông Ibrahim Ozsoy thì việc lựa ĐMT không chỉ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất, giảm phụ thuộc vào hệ thống điện lưới quốc gia mà quan trọng hơn, giúp doanh nghiệp đạt được các chỉ tiêu xanh, từ đó giữ chân được các khách hàng lớn và mở rộng thị trường. 

Được biết, Nhà máy Oasis Nhà Bè cũng lựa chọn mô hình hợp tác ESCO để lắp đặt hệ thống ĐMT áp mái công suất 233,28 kWp. Giải pháp giúp Oasis tự đáp ứng được 54% nhu cầu sử dụng điện, cắt giảm khoảng 190 tấn CO2/năm. 

Từ thực tế cho thấy, vài năm trở lại đây thị trường dịch vụ năng lượng ESCO đã có nhiều biến chuyển mạnh mẽ không chỉ trong lĩnh vực may mặc mà sản xuất nói chung. Điển hình là sự quan tâm của các doanh nghiệp trong vấn đề chuyển đổi năng lượng xanh, sự phát triển về số lượng  các công ty cung cấp dịch vụ năng lượng, trong đó có nhiều tên tuổi lớn, đã góp phần thúc đẩy hoàn thiện mạnh mẽ hệ sinh thái dịch vụ năng lượng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo thông tin tại hội thảo tư vấn giải pháp năng lượng xanh gần đây của một nhà cung cấp lớn trong ngành, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm, mặc dù đang là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều nơi trên cả nước, nhưng doanh nghiệp vẫn nhận được hơn 300 hồ sơ đăng ký nhận tư vấn. Điều này cho thấy sự quan tâm rõ rệt của các doanh nghiệp về vấn đề ĐMT nói riêng và sản xuất xanh nói chung. 

ĐMT nói riêng và chuyển dịch xanh trong lĩnh vực sản xuất nói chung đang hứa hẹn sự phát triển mạnh trong thời gian tới. 

Nhìn rộng hơn, thị trường dịch vụ năng lượng đã phát triển tại các quốc gia phát triển từ nhiều thập kỷ nay. Theo ông Markus Bissel, chuyên gia năng lượng cấp cao của GIZ, hệ sinh thái dịch vụ năng lượng bao gồm ESCO đã hình thành và được chính phủ Đức hỗ trợ đến ngày nay. Với quốc gia đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ như Việt Nam, thị trường còn nhiều dư địa để phát triển. Vấn đề hiện tại là cần thêm động lực cho các doanh nghiệp, như chính sách hỗ trợ và khuyến khích. Bên cạnh đó là truyền thông nâng cao nhận thức để các chủ doanh nghiệp nhìn nhận đúng đắn hơn về tiềm năng to lớn mà tiết kiệm năng lượng mang lại. 

Để tạo điều kiện cho sự chuyển dịch năng lượng xanh và tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp sản xuất, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều chương trình như hỗ trợ kiểm toán năng lượng, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật chuyển đổi công nghệ… Riêng với mảng ESCO, Bộ đã chỉ đạo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững phối hợp với EVN triển khai một số mô hình nước nóng năng lượng mặt trời và gặt hái thành công nhất định. Hiện, Vụ đang xây dựng hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật và thúc đẩy một số mô hình mẫu về ĐMT áp mái tại doanh nghiệp công nghiệp.

Các chính sách ưu đãi của Chính phủ trong phát triển năng lượng tái tạo cũng đã tạo nhiều sự chuyển biến tích cực về dòng tiền. Điển hình, theo số liệu cung cấp trên Vnexpress, trong năm 2020, khoảng 7,4 tỷ USD vốn dành cho phát triển năng lượng tái tạo đã chảy về Việt Nam. Bên cạnh đó, các kênh gọi vốn riêng cũng đang hoạt động rất tích cực. Theo thông tin từ SolarESCO, nhà cung cấp giải pháp này đã kêu gọi được gói hỗ trợ đầu tư “khởi động” ít nhất 3.000 tỷ đồng cho phát triển các dự án ĐMT từ nay đến hết năm 2023. Gói sẽ được giải ngân ngay trong tháng 11 tới, với cam kết phát triển khoảng 200 MWp ĐMT/năm. Qua đó cho thấy sự quan tâm tới mảng ĐMT nói riêng và chuyển dịch xanh trong lĩnh vực sản xuất nói chung đang hiện hữu mạnh mẽ, hứa hẹn sự phát triển hơn nữa của thị trường trong thời gian tới. 

An Nhiên