Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:19 GMT+7

Tin hoạt động

Các chứng nhận thực phẩm phổ biến tại Việt Nam

15/10/2021

Hiện nay canh tác nông sản theo tiêu chuẩn đã trở thành chuẩn mực trong thương mại nội địa và quốc tế. Điều này nhằm hạn chế việc sử dụng quá mức cần thiết các chất bảo vệ thực vật, thuốc hoá học… gây các nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng. Dưới đây là một số chứng nhận phổ biến trên thế giới và tại thị trường Việt Nam

Chứng nhận hữu cơ

Vietnam Certified Organic - Tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam 

Tiêu chuẩn do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, áp dụng cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi và chế biến ở Việt Nam. Tiêu chuẩn dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế CODEX, IFOAM… đồng thời tham khảo các tiêu chí EU, Mỹ, Nhật và các nước lân cận như Thái Lan, Philipines…

PGS Vietnam - Chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ

PGS (Participatory Guarantee System) là chứng nhận đảm bảo sản phẩm được sản xuất theo đúng quy trình cũng như tuân thủ theo các quy định của sản xuất hữu cơ. Chứng nhận PGS đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ, Brazil, New Zealand… Mỗi quốc gia sẽ có sự thay đổi để phù hợp với điều kiện thực tế. 

Tại Việt Nam, chứng nhận PGS được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn SXNN hữu cơ 10TCN 602-2006 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Năm 2004, IFOAM (Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ) chấp nhận PGS là một hệ thống đảm bảo có giá trị cho các sản phẩm hữu cơ tại thị trường Việt Nam.

USDA Organic - Tiêu chuẩn hữu cơ Mỹ

Tiêu chuẩn được chứng nhận bởi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Sản phẩm hữu cơ đạt chứng nhận USDA có nhiều cấp bậc. Và để được đặt logo USDA trên tem sản phẩm thì phải chứa từ 95-100% nguyên liệu hữu cơ. Do đó, đây được coi là một trong những tiêu chuẩn hữu cơ rất nghiêm ngặt. 

JAS Organic - Tiêu chuẩn hữu cơ Nhật Bản 

JAS gồm hai phần: hệ thống JAS và hệ thống tiêu chuẩn ghi nhãn chất lượng. Hệ thống JAS: Các sản phẩm sẽ được dán nhãn JAS sau khi vượt qua sự kiểm tra nghiêm ngặt dựa trên các tiêu chuẩn.

Hệ thống tiêu chuẩn ghi nhãn chất lượng: Nhằm yêu cầu các nhà sản xuất phải dán nhãn phù hợp với tiêu chí của từng sản phẩm

EU Organic - Tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu

Tiêu chuẩn EU Organic do Liên minh châu Âu kiểm soát và cấp chứng nhận, có giá trị trên 57 quốc gia. Đây được coi là một trong những chứng nhận nghiêm ngặt nhất thế giới, có quy định chặt chẽ cho cả mặt hàng nông sản, thịt, thủy sản, sản phẩm từ động vật, thực phẩm chế biến tới mỹ phẩm. Mỗi chứng nhận cho từng ngành hàng riêng biệt sẽ được yêu cầu riêng từ giống, nguồn nước, vùng đệm, vật liệu, độ đa dạng sinh học, đầu vào hữu cơ.

Chứng nhận an toàn khác

GAP - Tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt

GAP - Good Agricultural Practises, là chứng nhận quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Đây là một trong những tiêu chuẩn nông sản phổ biến nhất thế giới, áp dụng vào quá trình sản xuất sản phẩm nhằm đảm bảo an toàn và hợp vệ sinh. 

GlobalGAP là bộ tiêu chuẩn toàn cầu có sự xem xét và thống nhất của hơn 80 quốc gia. Bộ tiêu chuẩn gồm 252 tiêu chí, với 36 tiêu chí phải tuân thủ 100% và 127 tiêu chí tuân thủ mức 95%. Các tiêu chí còn lại được khuyến nghị nên thực hiện trong suốt quá trình sản xuất và cần được ghi chép lại tất cả. Điều này nhằm đảm bảo khả năng truy xuất khi xảy ra sự cố như ngộ độc hay hoá chất vượt ngưỡng cho phép.  

VietGAP - Tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt Việt Nam

Tại Việt Nam, bộ tiêu chuẩn thường biết đến là VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practises) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bao hành vào năm 2008. Nhóm ba sản phẩm chính của VietGAP là thuỷ sản, trồng trọt và chăn nuôi. 

Tiêu chuẩn gồm những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch và sơ chế đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng. Bộ tiêu chuẩn VietGAP nhằm đảm bảo người sản xuất, tiêu dùng đồng thời bảo vệ môi trường. 

Thanh Thanh t/h