Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:37 GMT+7

Sản xuất bền vững

Nuôi tôm công nghệ cao đảm bảo phát triển bền vững

03/10/2021

Những trang trại nuôi tôm ứng dụng công nghệ đã cho thấy hiệu quả bền vững về kinh tế và môi trường.
Một vài năm trở lại đây, trên những cánh đồng tôm lớn xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình ứng dụng công nghệ cao, bền vững về mặt môi trường. Hiệu quả từ những mô hình này đem lại rất khả quan, là dấu hiệu cho thấy sự chuyển đổi mạnh mẽ nghề nuôi tôm trong thời gian tới.
Ứng dụng công nghệ cho hiệu quả cao  
Ao nuôi tôm của Việt Úc Phù Mỹ ứng dụng công nghệ cao, xử lý nước tuần hoàn cho năng suất cao và đảm bảo yếu tố bền vững về mặt môi trường. 
Trại sản xuất tôm chất lượng cao của Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ (Bình Định) là một trong những đơn vị tiên phong của tỉnh áp dụng mô hình nuôi tôm khép kín, tuần hoàn nước thải. Trang trại có diện tích 116 ha, ứng dụng công nghệ BIOFLOC. Năng suất đạt 40-45 tấn/ha.
Ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc Công ty cho biết các ao nuôi tại trang trại đều áp dụng quy trình sản xuất nhà màng, lót bạt tiên tiến, đảm bảo các yêu cầu về tiểu khí hậu, sinh học và dịch hại. Đồng thời hệ thống nước được xử lý tuần hoàn, đảm bảo chất lượng nước ổn định cho tôm và không gây ô nhiễm môi trường.
Quá trình sản xuất tiết kiệm được một lượng lớn nước ngọt do hoàn toàn không sử dụng trong sản xuất, mà chỉ dùng để tưới cây và vệ sinh bể cuối vụ. Quá trình xử lý nước thải sử dụng phương pháp lắng bùn và giá thể tự do MBBR qua hệ thống UV trước khi ra môi trường. Chất thải, xác tôm, sau khi thu gom được đưa ra hố tiêu, ủ bằng chế phẩm sinh học sau đó được tái sử dụng làm phân bón hoặc cho mục đích khác.  
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao lan dần sang các hộ nuôi nhỏ lẻ.
Không chỉ có những doanh nghiệp với vốn lớn quan tâm đến sản xuất công nghệ cao. Xu hướng này đã lan rộng đến các hộ nuôi tôm nhỏ khác. Ông Đinh Văn Khiêm, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cho hay diện tích nuôi tôm công nghệ cao của tỉnh đã đạt tăng trưởng đáng kể trong nhiều năm nay. Năng suất nuôi tôm công nghệ cao trung bình 40-50 tấn/ha, so với năng suất trung bình khoảng 20 tấn/ha. 
Một chủ vựa tôm ở Ninh Bình, ông Đặng Thanh Tấn cho biết vựa tôm nhà ông có diện tích 4ha. Trước đây nuôi tôm ao đất truyền thống, doanh thu chỉ đạt 100-150 triệu/ha/năm. Nhưng từ khi chuyển đổi mô hình ứng dụng công nghệ BIOFLOC, giá trị đã lên 200 triệu/ha/năm.
Theo ông Tấn, cách nuôi tôm cũ không kiểm soát được các điều kiện đất, nước, dịch bệnh nên càng ngày càng khó khăn. Với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, tỷ lệ thắng vụ tốt hơn nhiều. Chỉ tầm 80 ngày tuổi tôm đạt cỡ 29 con/kg, mật độ thả nuôi tới 200 con/m2, ông Tấn cho biết “vụ này cầm chắc thắng lớn”.
Cần chuyển giao công nghệ và hợp tác ba nhà
Đặc điểm khác biệt của mô hình nuôi ông Tấn và nhiều hộ khác đang áp dụng là dành 80-85% diện tích cho việc xử lý nước tôm, nước thải và chất thải. Tuy diện tích nuôi thực tế ít, chỉ khoảng 20%, nhưng năng suất và hiệu quả hơn hẳn phương pháp nuôi truyền thống với tỷ lệ thành công hơn 95%. Mặc khác, do nước tôm và nước thải đã được xử lý kỹ, nên hầu như có thể tái sử dụng vào sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Xu hướng chuyển dịch sản xuất công nghệ cao được nhìn thấy là tất yếu để phát triển nghề nuôi tôm bền vững. Tuy nhiên yêu cầu là phải có vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn, từ vài tỷ đến hàng trăm tỷ đồng tùy quy mô trang trại. Đây là điều không dễ dàng với đa số hộ nuôi tôm nhỏ lẻ hiện nay.
Theo các chuyên gia, vấn đề này có thể được giải quyết nếu có sự tham gia của nhiều bên: ngân hàng – doanh nghiệp công nghệ - hộ kinh doanh. Gần đây nhất, ngân hàng HDBank đã tung ra các gói cho vay ưu đãi dành cho các hộ kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững.
Ông Bùi Công Nhân, Giám đốc HDBank chi nhánh Sóc Trăng cho biết: "Tính đến cuối năm 2020, HDBank Sóc Trăng đã đầu tư khoảng 60 tỷ đồng cho mô hình ứng dụng công nghệ cao, kể cả mô hình “mi ni” và tất cả đều cho thấy rất hiệu quả. Riêng năm 2021, chúng tôi đã chuẩn bị nguồn vốn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển mô hình cho người nuôi tôm tỉnh Sóc Trăng".
Thêm một tín hiệu hứa hẹn sự tăng trưởng bền vững cho ngành công nghiệp chăn nuôi này, đó là sự tích cực trong chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp lớn. Ông Nguyễn Văn Thảo cho biết đơn vị đang triển khai nhân rộng quy trình sản xuất tôm thương phẩm đến một số trang trại có cơ sở vật chất tương đồng. Đồng thời nghiên cứu các quy trình nuôi trong nhà lưới phù hợp với điều kiện của người dân địa phương. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng khu nuôi tôm thương phẩm, đồng thời chuyển giao công nghệ, nhân rộng mô hình sản xuất cho người dân địa phương”, ông Thảo chia sẻ.
Nuôi tôm ứng dụng công nghệ được xem là lời giải cho bài toán phát triển bền vững của ngành công nghiệp chăn nuôi này. Điều này đặc biệt rõ ràng hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu ảnh hưởng sâu sắc tới các yếu tố sản xuất như hiện nay. Sự nhận thức, thay đổi của các chủ cơ sở chăn nuôi nhỏ, hỗ trợ tích cực của các doanh nghiệp lớn, ngân hàng trong việc tạo điều kiện về công nghệ và vốn, sẽ tạo điều kiện ngành phát triển mạnh trong thời gian tới.
An Nhiên