Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 24/11/2024 | 09:08 GMT+7

Sản xuất bền vững

PVCFC ký thoả thuận thúc đẩy thị trường phân bón hữu cơ

20/09/2021

Theo thoả thuận mới ký kết giữa Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) và Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) mở ra chương mới trong chiến lược phát triển sản phẩm phân bón hữu cơ tại khu vực ĐBSCL.
Mới đây, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã ký kết thoả thuận hợp tác với Cục bảo vệ thực vật (BVTV) trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến“Thực trạng và giải pháp quản lý sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản tại các tỉnh ĐBSCL”. Thoả thuận mở ra mục tiêu hợp tác chiến lược trong phát triển phân bón hữu cơ, hướng đến một nền nông nghiệp xanh bền vững.
Việc PVCFC cam kết thúc đẩy sản xuất phân bón hữu cơ sẽ là cú hích tích cực cho mục tiêu đảm bảo phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, tổng tiêu thụ phân bón cả nước khoảng 10,3 triệu tấn/năm trong 3 năm trở lại đây. Trong đó hơn 70% là phân bón hữu cơ (7,6 triệu tấn vào năm 2020) còn lại là phân bón vô cơ. 
Về thị trường tiêu thụ, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với đặc điểm là vựa lúa và trái cây lớn nhất cả nước, đóng góp hơn 40% tổng lượng tiêu thụ phân bón. Riêng tại thị trường này lưu thông hơn 5.200 mặt hàng phân bón các loại trên tổng số 8.500 sản phẩm đăng ký cả nước, với khoảng 4.000 mặt hàng phân bón hữu cơ, còn lại là vô cơ. 
Phân bón hữu cơ luôn được đánh giá cao trong việc cân đối hài hoà giữa hiệu quả trồng trọt và hạn chế tác động đến hệ sinh thái. Tuy nhiên, điểm yếu của thị trường hiện nay là loại phân bón này chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài, có giá thành cao và thành phần hữu cơ khả dụng thấp, theo nhận định của bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc PVCFC. Trong khi đó, vùng ĐBSCL, khu vực kinh tế nông nghiệp trọng yếu, là nơi chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Việc tăng cường áp dụng các giải pháp nông nghiệp bền vững, trong đó có khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ là điều cần thiết. 
Việc PVCFC, nhà cung cấp lớn trong nước với hơn 60% thị phần tiêu thụ tại ĐBSCL, cam kết thúc đẩy chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ sẽ là một cú hích tích cực cho việc đảm bảo sản xuất bền vững của vùng. 
Ông Văn Tiến Thanh, Tổng Giám đốc PVCFC trao đổi với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan về hiện trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón. Nguồn ảnh: PVCFC.
Theo nội dung thoả thuận, bên cạnh việc chú trọng thúc đẩy sản xuất sản phẩm phân bón hữu cơ, doanh nghiệp sẽ có chương trình hướng dẫn sử dụng phân bón cân đối - hiệu quả cho bà con nông dân. Đồng thời tổ chức tập huấn và thúc đẩy chuỗi cung ứng cam kết vào các hoạt động kinh doanh phân bón đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc minh bạch. 
Để thực hiện các mục tiêu trên, PVCFC cũng xác định vai trò đồng hành quan trọng của các cơ quan hữu quan, các viện nghiên cứu, trung tâm khuyến công tại các địa phương. Tất cả nhằm chung tay hỗ trợ bà con nông dân hướng đến nền kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững. 
Phát biểu tại lễ ký kết, Tổng Giám đốc PVCFC Văn Tiến Thanh khẳng định rất tin tưởng và kỳ vọng vào chiến lược hợp tác này. "PVCFC sẽ tập trung nguồn lực, nỗ lực triển khai để đạt kết quả cam kết bằng các chương trình cụ thể, lấy người nông dân làm trọng tâm. Điều này không chỉ nâng cao vị thế Công ty mà quan trọng đẩy nhanh tiến trình phát triển nông nghiệp Việt theo hướng bền vững”, ông Thanh nhấn mạnh. 
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, mục tiêu mà chính phủ đặt ra đến năm 2025 Việt Nam cần sản xuất 3 triệu tấn phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sản lượng sản xuất phân hữu cơ thực sự của Việt Nam hiện mới ở mức trên một triệu tấn. Vì vậy, dư địa sản xuất phân bón hữu cơ vẫn còn rộng cho các nhà sản xuất nội địa.
Tấn Thành