Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ hai, 25/11/2024 | 13:12 GMT+7

Tin hoạt động

Sản xuất xanh, xu thế của phát triển bền vững

09/09/2021

Thời gian qua, ý thức cộng đồng về sản xuất xanh trên địa bàn tỉnh Phú Yên có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, người sản xuất không chỉ dùng các chế phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế phân thuốc hóa học trong trồng trọt, chăn nuôi mà còn sử dụng đúng liều lượng theo chuẩn quy trình kỹ thuật. Đây là cơ sở để sản phẩm nông nghiệp trở thành hàng hóa có giá trị, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Sản xuất gỗ mỹ nghệ tại Hợp tác xã Tân Hòa Bình, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên
Từ hộ gia đình đến các đơn vị kinh doanh
Với 4 sào đất, gia đình ông Nguyễn Ngọc Cẩm ở xã Hòa Kiến, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên chuyên trồng khổ qua, hành… cung cấp cho thị trường thành phố. Từ rất lâu rồi, ông Cẩm đã bỏ dần thói quen sử dụng thuốc hóa học trong canh tác. Thay vào đó, ông dùng các chế phẩm sinh học hữu cơ, vừa thân thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe lại vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng rau sạch của khách hàng. “Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ dân ở đây đều sản xuất theo hướng đó, chấm dứt hẳn cảnh trồng rau hai luống, một luống cho gia đình ăn, một luống để bán”, ông Cẩm cho biết.
Chị Nguyễn Thị Hào ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) thì chăn nuôi trên đệm lót sinh học và tự sản xuất thức ăn chăn nuôi từ rau vườn nhà. Theo chị Hào, đàn gà hơn 1.600 con mà chị nuôi trên lớp đệm trấu kết hợp với vôi bột, cùng với hơn 400 con ngan, vịt và 20 con heo rừng lai đều được cho ăn bằng thức ăn sạch tự nhiên do vợ chồng chị tự tay chế biến từ bắp, lúa, cỏ, đậu tương, cám… kết hợp với các loại cây thuốc nam truyền thống như tỏi, sả, lá ổi, cỏ mực…
Với các đơn vị, việc sản xuất kinh doanh theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... cộng với đầu tư công nghệ chế biến, hình thành chuỗi liên kết giá trị nông sản vừa bảo vệ môi trường vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại giá trị kinh tế cao. Ông Nguyễn Hoàng Phố, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Ninh Tây (huyện Tuy An), cho biết: Sản xuất áp dụng kỹ thuật phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, hạn chế tối đa thuốc trừ sâu. Từ năm 2020, HTX quy hoạch ruộng thành viên xây dựng chuỗi liên kết hình thành sản phẩm gạo hương thơm 1 theo Chương trình OCOP. Hiện đơn vị chú trọng mở rộng sản xuất theo chuẩn VietGAP. Bà con rất nhiệt tình ủng hộ vì đây là sản xuất sạch, vừa bảo vệ môi trường sinh kế, vừa tạo ra sản phẩm phục vụ chính cuộc sống của người dân, phù hợp với yêu cầu thị trường.
Các doanh nghiệp trồng rừng cũng vậy, thực hiện quản lý bền vững theo tiêu chuẩn chứng chỉ như một cách để góp phần bảo vệ rừng. Theo Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên, công ty tham gia một phần trong chuỗi liên kết rừng trồng do HTX Lâm nghiệp công nghệ cao Phú Yên thực hiện. Đơn vị đồng hành cùng thành viên các HTX lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh trồng rừng theo chứng chỉ. Từ đây không chỉ thay đổi thói quen trồng manh mún làm tổn hại cây rừng mà còn giúp chủ rừng nâng cao giá trị kinh tế.
Theo Sở TN-MT, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng với biến đổi khí hậu, nhân rộng diện tích trồng rừng chứng chỉ, khuyến khích đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất… Từ đây ý thức của người dân về sản xuất xanh cũng được nâng cao, tình trạng “rau hai luống, heo hai chuồng” đã chấm dứt.
Xu thế tất yếu
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Giám đốc HTX Tân Hòa Bình (huyện Tây Hòa), để sản phẩm gỗ mỹ nghệ của đơn vị vào được thị trường châu Âu, trong chỉ dẫn địa lý nguồn gốc xuất xứ bắt buộc gỗ nguyên liệu phải có nguồn gốc từ những cánh rừng trồng đạt chứng chỉ quốc tế. Sản phẩm khi kiểm tra dù chỉ một miếng gỗ không đạt yêu cầu cũng sẽ bị loại ra. Vì vậy một thời gian dài, HTX phải nhập gỗ của những doanh nghiệp trồng rừng theo chứng chỉ. Sự khắt khe này nhằm đảm bảo khai thác đi kèm với tái tạo. “Không chỉ thị trường nước ngoài mà thị trường trong nước cũng bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường trong sản phẩm hàng hóa. Đây là xu thế tất yếu của phát triển bền vững”, ông Ngọc nói.
Trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết nông sản cũng là cách để hướng tới sản xuất xanh. Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT), cho biết: Khâu đầu tiên của chuỗi là sản xuất được tiến hành trên quy mô lớn áp dụng các phương pháp canh tác tiên tiến chuẩn an toàn như phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, VietGAP..., hạn chế tối đa lượng phân thuốc hóa học có hại cho môi trường. Cùng với đó, sản phẩm để có mặt trên thị trường phải đảm bảo các tiêu chí an toàn với sức khỏe người tiêu dùng như không tồn dư hàm lượng thuốc trừ sâu, không lẫn tạp chất… Đây chính là xu hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Theo Sở TN-MT, sản xuất xanh là xu thế tất yếu của các quốc gia trên thế giới trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt các nguồn tài nguyên... Tại Phú Yên, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng với biến đổi khí hậu, nhân rộng diện tích trồng rừng chứng chỉ, khuyến khích đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất… Từ đây ý thức của người dân về sản xuất xanh cũng được nâng cao, tình trạng “rau hai luống, heo hai chuồng” đã chấm dứt. Không chỉ các hộ dân mà các doanh nghiệp, HTX đều nỗ lực tạo ra các sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, vừa tăng giá trị kinh tế vừa góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sinh kế lâu dài.
Theo: Báo Phú Yên