Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 24/11/2024 | 07:18 GMT+7

Sản xuất bền vững

"Nâng cấp" thực phẩm thừa thành vật liệu xây dựng

01/09/2021

Các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Công nghiệp thuộc đại học Tokyo đã phát triển một loại vật liệu xây dựng làm từ rác thải thực phẩm có thể bền hơn cả bê tông và vẫn ăn được. Nghiên cứu này sẽ được công bố trong hội nghị thường niên lần thứ 70 của Hiệp hội khoa học vật liệu tại Nhật Bản.
Lá bắp cải, vỏ cam hay vỏ hành tây đều có thể được tái chế thành vật liệu xây dựng có độ bền, chắc như bê tông.
Cụ thể, nhóm các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học trực thuộc Đại học Tokyo (Nhật Bản) đã thu thập các loại rác thải thực phẩm và sử dụng công nghệ “ép nóng” để biến chúng thành vật liệu xây dựng. “Ép nóng” vốn được sử dụng để chuyển bột gỗ trở thành vật liệu xây dựng. Họ dùng các rác thải thực phẩm sấy chân không, nghiền thành bột rồi trộn với nước sau đó cho hỗn hợp tiếp xúc môi trường nhiệt độ cao. Tiếp đó, họ kiểm nghiệm sức bền của hỗn hợp này.

Ông Yuya Sakai, người tham gia nghiên cứu nêu rõ: “Mục tiêu của chúng tôi là sử dụng tảo biển cũng như các loại rác thải thực phẩm phổ biến khác tạo thành vật liệu chắc chắn như bê tông”. Kota Machida, một thành viên khác của nghiên cứu nói thêm rằng lá bắp cải giúp tạo ra vật liệu "khỏe" hơn bê tông gấp 3 lần. Vật liệu này ghi nhận không có thay đổi về bên ngoài hoặc bị nấm, côn trùng gây ảnh hưởng sau khi tiếp xúc với không khí trong 4 tháng.

Theo Kota Machida, thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết “Ngoại trừ vật liệu tạo ra từ bí ngô, tất cả các loại khác đều vượt qua bài kiểm tra độ bền. Ngoài ra, chúng tôi cũng phát hiện rằng lá cải thảo có thể tạo ra vật liệu cứng hơn bê tông gấp3 lần, có thể đùng để trộn lẫn với vật liệu yếu hơn làm từ bí ngô để tăng sự kiêng cố.”

Ngoài ra, các vật liệu này vẫn có thể ăn được, mặc dù nhóm nghiên cứu không cho biết liệu chúng có khó nhai hay không. Ngay cả khi để nguyên liệu tiếp xúc với không khí trong bốn tháng cũng không thay đổi mùi vị và không có vấn đề gì về thối rữa hoặc côn trùng.
Theo Liên Hợp Quốc, mỗi năm trên thế giới có đến 1,3 tỷ tấn thực phẩm bị lãng phí. Một phần trong số đó là do chuỗi xử lý không hiệu quả, một lượng lớn là bị lãng phí vì thực phẩm không đạt chuẩn, bị hư hỏng, hoặc thậm chí là do con người bỏ đi một cách phí phạm. Do vậy, ý tưởng tái chế rác thải thực phẩm không phải là mới. Thực tế từ thời xa xưa, con người đã nảy ra ý tưởng lấy thức ăn thừa làm thực phẩm hoặc mồi nhử cho động vật. Ngày nay, các ngành công nghiệp cũng bắt đầu chú tâm vào việc tái chế chất thải thực phẩm để làm phân bón hay cho lợn ăn, cũng như chuyển hoá chất thải sinh học thành nhiên liệu hay nhựa.
Hà Trần