Do các ưu việt nổi trội về công nghệ, môi trường và tính cạnh tranh về mặt kinh tế, điện mặt trời đang phát triển mạnh trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Tuy nhiên, lĩnh vực năng lượng mặt trời phải đối mặt với vấn đề xử lý phế thải pin mặt trời khi hết hạn sử dụng. Nếu pin năng lượng mặt trời không được thu gom, xử lý và tái chế hiệu quả thì sẽ trở thành nguồn ô nhiễm môi trường nặng nề.
Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IREA) ước tính tới năm 2050 toàn thế giới có tới 78 triệu tấn pin mặt trời hết hạn sử dụng. Mỗi năm, toàn cầu sẽ thải ra khoảng 6 triệu tấn rác thải điện tử có nguồn gốc từ loại pin này.
Nếu không được xử lý đúng cách, một số loại vật liệu trong pin mặt trời như chì, thiếc sẽ gây ô nhiễm môi trường, đe doạ tới sức khoẻ con người. Bên cạnh đó, nếu không tái chế hiệu quả các tâm pin mặt trời thì sẽ gây ra lãng phí nguồn tài nguyên quý giá.
Pin năng lượng mặt trời được chia làm 2 loại, gồm Pin mặt trời tinh thể Silicon và pin mặt trời màng mỏng. Ngoài khung nhôm, tấm pin năng lượng mặt trời thường có 5 lớp cấu tạo. Trong đó, lớp tế bào quang điện trên bề mặt cần được xử lý hiệu quả để tránh gây ô nhiễm môi trường. Những lớp khác là những vật liệu thông thường như kính, nhựa, nhôm và không chứa chất độc hại.
Một số công nghệ hiện nay cho phép tái chế pin mặt trời tinh thể Silicon lên đến 95%, riêng phần khung kim loại đạt 100%. Đối với pin mặt trời mảng mỏng, khoảng 95% chất bán dẫn và 90% kính được tái sử dụng hoàn toàn.
Văn phòng Sản xuất và tiêu dùng bền vững