Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 23/11/2024 | 01:18 GMT+7

Tin hoạt động

Bình Dương: Tiếp tục phát triển công nghiệp theo định hướng phát triển bền vững và sản xuất sạch hơn

12/11/2014

Từ nền tảng phát triển bền vững của quốc gia

Từ vốn ngân sách, 10 năm qua, Nhà nước đã đầu tư trên 2.000 tỷ đồng cho bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, vốn ODA cho lĩnh vực này trong giai đoạn 1985- 2000 là 2 tỷ USD. Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã thành lập Quỹ bảo vệ môi trường để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ môi trường. Một số địa phương cũng đã lập các quỹ hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trong đó, TP.HCM có quỹ xoay vòng giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp do ADB tài trợ, với tổng vốn 2,5 triệu USD và quỹ hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp từ nguồn vốn của thành phố, với số tiền là 1 triệu USD.

Nhiều đề tài, dự án về bảo vệ môi trường của Bộ Khoa học và Công nghệ, một số địa phương thực hiện đã cung cấp các giải pháp tối ưu về quản lý và bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp, đơn vị. Chẳng hạn như các đề tài nghiên cứu sản xuất thiết bị, vật liệu tách dầu ra khỏi nước; thiết bị xử lý nước, rác thải; sử dụng công nghệ sinh học làm sạch dầu mỏ tại một số cảng; tận dụng các nguồn phế liệu trong nông nghiệp, công nghiệp để tái sản xuất. Một số thiết bị xử lý chất thải sản xuất trong nước không chỉ được các địa phương, doanh nghiệp trong nước tiếp nhận công nghệ mà cả đối tác nước ngoài cũng muốn tiếp nhận.

Cùng với các dự án do Nhà nước và địa phương đầu tư thực hiện, nhiều dự án do quốc tế tài trợ về SXSH đã được triển khai. Hàng trăm DN dệt, giấy, chế biến thực phẩm, gia công kim loại tham gia các dự án sản xuất sạch của trung tâm sản xuất sạch Việt Nam (do UNIDO-SECO tài trợ) đã có hiệu quả, tiết kiệm được hàng triệu USD. SXSH đã được đánh giá là một công cụ hiệu quả để giải quyết các vấn đề về sức khỏe nghề nghiệp.

Bình Dương đạt nhiều thành quả trong chương trình SXSH

Đểthực hiện cóhiệu quảnội dung của Chiến lược quốc gia vềSXSH trong công nghiệp đến năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành kếhoạch SXSH trong công nghiệp giai đoạn 2012-2015 ở Bình Dương, theo kế hoạch này, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài Chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên & Môi trường, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghiệp VSIP, báo, đài, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, các DN sản xuất công nghiệp, tổ chức tuyên truyền sâu rộng về SXSH đến tổ chức, cơ quan và DN nhằm nắm được lợi ích của việc SXSH, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc áp dụng SXSH. UBND tỉnh cũng giao các ngành nhiệm vụ đào tạo, tập huấn về SXSH cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật của các cơ quan cấp tỉnh, huyện, thị xã và DN về công tác SXSH, để triển khai sâu rộng trên toàn địa bàn. Tỉnh cũng giao các ngành xây dựng các đề tài, dự án về quản lý, áp dụng SXSH trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn, hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng và cải tiến công nghệ nhằm phục vụ SXSH trong công nghiệp. Xây dựng, phổ biến các cơ sở dữ liệu theo ngành về suất tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu và năng lượng trên đơn vị sản phẩm nhằm triển khai, áp dụng SXSH trong công nghiệp. Xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia SXSH cho các tổ chức tư vấn và đội ngũ cán bộ kỹ thuật về SXSH cho các cơ sở sản xuất công nghiệp. Hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm, nhân rộng các mô hình áp dụng SXSH trong công nghiệp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp. Hỗ trợ một phần kinh phí cho các dự án áp dụng SXSH như đầu tư thay đổi, cải tiến dây chuyền công nghệ…

Với việc triển khai kế hoạch SXSH trên địa bàn, đến nay, việc áp dụng SXSH trong các cơ sởsản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh bắt đầu có sự chuyển biến tích cực. Một số DN đã nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH và đã từng bước cải tiến quản lý, đầu tư đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm vàhiệu quả, sử dụng nguyên liệu thay thế phát sinh ít chất thải,... góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.


Quy hoạch phát triển công nghiệp dựa trên cơ sở bảo vệ môi trường


Tuy nhiên, xử lý ô nhiễm, giảm thiểu ô nhiễm vẫn là những thách thức lớn của Bình Dương. Nhiều DN, nhất là DN vừa và nhỏ không có đủ tiềm lực để thay các công nghệ lạc hậu. Số lượng các khu công nghiệp, khu chế xuất tăng rất nhanh, trừ một số hệ thống xử lý chất thải tại DN có vốn đầu tư nước ngoài, còn hầu hết các hệ thống xử lý nước thải đạt hiệu quả chưa cao.


UBND tỉnh Bình Dương xác định, từ nay đến năm 2020, công nghiệp là ngành kinh tế chủ lực thực hiện công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh trong đó các KCN đóng vai trò quan trọng, tạo động lực tập trung thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế vào địa bàn tỉnh theo đúng quy hoạch, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao trình độ lao động địa phương và bảo vệ môi trường. Phát triển các KCN theo hướng hình thành chuỗi các KCN cùng với sự phát triển các khu đô thị, khu dân cư và hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết cho toàn khu vực, góp phần đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, hiện đại hóa của tỉnh một cách đồng bộ. Quy hoạch các KCN của tỉnh phù hợp với quy hoạch phát triển vùng theo hướng kết nối với hệ thống giao thông, sân bay, cảng biển… trong khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các KCN cần tập trung thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, ít thâm dụng lao động, ưu tiên các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Chuẩn bị đất sạch KCN ở phía Bắc tỉnh để đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư khi chùm đô thị Nam Bình Dương hình thành và phát triển. Khi đó, do yêu cầu ngày càng cao về môi trường, các DN buộc phải di dời lên phía Bắc tỉnh nếu không đạt yêu cầu về đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Phát triển các KCN phải gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng chống các loại tội phạm, đồng thời quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến đội ngũ công nhân lao động và bảo vệ môi trường.

Như vậy, Bình Dương đã tích cực chương trình SXSH, trong suốt quá trình phát triển công nghiệp của tỉnh nhà. Và qua thực tế phát triển công nghiệp của tỉnh Bình Dương, chúng ta thấy rất rõ, nhờ thực hiện tốt chương trình SXSH, trình độ công nghệ trong tỉnh đã được nâng lên một bước. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 36 khu và cụm công nghiệp tập trung, giúp Bình Dương phát triển công nghiệp theo đúng kế hoạch, quy hoạch cụ thể. Theo đúng định hướng đến năm 2020, Bình Dương trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, mang tầm khu vực, gắn với mục tiêu phát triển bền vững và sau năm 2020 là tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại.

Ngọc Trực