Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 16/11/2024 | 22:57 GMT+7

Tin hoạt động

Sử dụng năng lượng hiệu quả tiến tới nền kinh tế Carbon thấp

11/11/2014

Sử dụng năng lượng hiệu quả tiến tới nền kinh tế Carbon thấp


Tới đây, Tổng cục Năng lượng tiếp tục tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Công Thương đẩy mạnh việc triển khai chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thể hiện trên 6 giải pháp. Kể từ khi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (NLTK&HQ) ra đời năm 2011, đến nay các hoạt động sử dụng NLTK&HQ nói chung và sử dụng điện tiết kiệm nói riêng đã được triển khai trên diện rộng tới cộng đồng người dân và doanh nghiệp (DN).

Nhu cầu sử dụng điện thực tế trong giai đoạn 2011 - 2014 đã giảm nhiều so với dự báo tăng trưởng theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 (mức độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân thực tế là 10%, ít hơn so với dự báo nhu cầu tăng trưởng là 14,1/năm). Sản lượng điện tiết kiệm của cả nước trung bình hàng năm (2011 - 2013) khoảng 1,9 tỷ kWh/năm, mức tiết kiệm năm sau cao hơn năm trước.

 

Thúc đẩy giải pháp tổng thể

 

Trong giai đoạn 2012 - 2015, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung vào công tác triển khai xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động, nhằm thúc đẩy tiết kiệm năng lượng (TKNL) trên toàn quốc.

 

Đến hết tháng 6/2014, Bộ Công Thương đã cấp chứng nhận dán nhãn năng lượng cho 6.215 chủng loại sản phẩm của 13 loại trang thiết bị phải dán nhãn theo Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó dán nhãn cho 473 chủng loại máy thu hình, 749 chủng loại thiết bị chiếu sáng, gần 1.585 chủng loại quạt điện, 863 sản phẩm điều hoà không khí, 301 chủng loại sản phẩm máy giặt, 1.354 loại nồi cơm điện và 210 sản phẩm máy biến áp phân phối... Chương trình nhãn năng lượng trên thị trường đã tạo ra sự minh bạch về hiệu suất năng lượng giữa các thương hiệu, nhãn năng lượng đã tạo sự cạnh tranh giữa các thương hiệu lớn, cạnh tranh giữa các DN về đẳng cấp. Đây là dấu hiệu tốt khẳng định hiệu quả của chương trình dán nhãn năng lượng.

Năm 2013, thông qua các tổng công ty điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai hỗ trợ lắp đặt được 3.000 bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời quy mô hộ gia đình. Tính đến cuối năm 2013, toàn quốc đã có trên 600.000 bình nước nóng năng lượng mặt trời được lắp đặt và sử dụng, giúp giảm đáng kể việc tiêu thụ điện cho việc cung cấp nước nóng phục vụ sinh hoạt trong các hộ gia đình. Bộ Công Thương đã kết hợp với EVN triển khai hệ thống bình đun nước nóng mặt trời quy mô công nghiệp tại ba miền theo mô hình ESCO. Dự án triển khai đã tiết kiệm được hơn 2 GWh, tương đương với hơn 5 tỷ đồng.

 

Bộ Công Thương cũng phối hợp với Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội phụ nữ các tỉnh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tuyên truyền, ứng dụng hầm Biogas quy mô hộ gia đình đã triển khai tại 26 tỉnh, thành và hỗ trợ xây dựng hơn 3.000 hầm Biogas quy mô gia đình.

Sau khi xây dựng xong định mức cho các ngành công nghiệp sẽ xây dựng lộ trình, kế hoạch hành động và dự thảo các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về sử dụng TKNL theo từng ngành.

 

Tháng 1/2014, Tổng cục Năng lượng đã trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định các biện pháp sử dụng TKNL và hiệu quả cho các ngành công nghiệp và quy định định mức tiêu thụ năng lượng trong ngành công nghiệp hóa chất. Đến nay, mạng lưới gồm 12 trung tâm tiết kiệm năng lượng tại các tỉnh thành phố và gần 40 trung tâm khuyến công và các công ty, trung tâm tư vấn, chuyển giao công nghệ trên phạm vi toàn quốc đã được thành lập để triển khai các hoạt động, như các dự án trong lĩnh vực chiếu sáng và khí sinh học. Đồng thời áp dụng mô hình quản lý năng lượng, tiêu chuẩn Hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001 cho các cơ sở sử dụng năng lượng. Tổng cục Năng lượng đã thông qua các trung tâm TKNL triển khai công tác đào tạo nhân sự về quản lý năng lượng, Tiêu chuẩn ISO 50001 cho các cơ sở sử dụng năng lượng.

 

Đến hết năm 2013 đã đào tạo cho 55 DN, với hơn 100 cán bộ và 45 chuyên gia đã tham dự các khóa đào tạo về hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001. Đào tạo về tối ưu hóa hệ thống hơi trong công nghiệp đã thu hút được 52 DN với hơn 80 cán bộ và 28 chuyên gia về lò hơi tham dự. Hiện nay, Văn phòng TKNL, Tổng cục Năng lượng đã và đang cung cấp, hỗ trợ kỹ thuật cho hơn 20 DN triển khai hệ thống ISO 50001.

 

Hạn chế và lúng túng

 

Theo báo cáo của EVN, bình quân từ năm 2011 - 2013, cả nước đã tiết kiệm được khoảng 1,9 tỷ kWh điện/năm. Giá trị tiết kiệm bình quân/năm là 2.757 tỷ đồng/năm (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Tuy nhiên, nhận thức của một số bộ phận người dân và DN về chủ trương sử dụng NLTK&HQ còn hạn chế. Vẫn còn hiện tượng lãng phí trong sử dụng năng lượng nói chung và tiết kiệm điện nói riêng, trong đó có khối các cơ quan hành chính sự nghiệp, khiến hiệu quả TKNL và tiết kiệm điện ở các DN sản xuất còn thấp so với tiềm năng.

 

Báo cáo của EVN cũng cho thấy, phụ tải của một số ngành, lĩnh vực tăng đột biến như: khu vực nuôi tôm, trồng thanh long và đặc biệt là các DN trong lĩnh vực sản xuất xi măng, sắt thép, hóa chất… Việc “phát triển nóng” cây thanh long dẫn tới tình trạng thiếu điện chong đèn thanh long ra hoa trái vụ xảy ra thường xuyên.

 

Trong những năm qua, dù ngành điện đã cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho các phụ tải tăng trưởng “nóng” này. Bên cạnh đó, phong trào nuôi tôm nước lợ tự phát nhanh, ngoài quy hoạch tại một số tỉnh như Sóc Trăng, các tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long gần đây dẫn tới nhu cầu sử dụng điện để chạy quạt phục vụ nuôi tôm tăng cao.

 

Tại một số tỉnh, nhu cầu điện cho nuôi tôm công nghiệp tăng đột biến (tăng hơn 30% so với năm 2013 và cao hơn trong năm 2014, ví dụ: Sóc Trăng).

 

Thực tế, công tác kiểm tra và giám sát việc thực thi các quy định của Nhà nước về SDNLTK&HQ chưa được thực hiện nghiêm và thường xuyên, mức xử phạt chưa đủ tính răn đe.

 

Ví dụ: kiểm toán năng lượng bắt buộc theo Luật SDNLTK&HQ và Nghị định 21/2010/NĐ-CP đối với các DN thuộc danh mục cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm vẫn chưa được các DN tuân thủ, nhiều DN chưa chịu thực hiện. Khó khăn về nguồn vốn đầu tư cho các giải pháp TKNL, các DN có nhu cầu áp dụng các công nghệ mới, có hiệu suất cao và các giải pháp TKNL nhưng không có vốn; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng trong nước gặp nhiều khó khăn do các ngân hàng yêu cầu DN phải thế chấp bằng tài sản, thay vì yêu cầu DN phải chứng minh hiệu quả năng lượng tiết kiệm đối với các giải pháp TKNL để làm cơ sở cho vay.

 

Bên cạnh đó, công tác quản lý thị trường các loại hàng hóa, thiết bị có hiệu suất cao, TKNL còn hạn chế, dẫn tới có nhiều mặt hàng có chất lượng kém, hàng giả, hàng nhái (ví dụ: đèn compact, đèn LED, quạt điện, điều hòa, thiết bị tiết kiệm điện…) làm người sử dụng gặp không ít khó khăn khi lựa chọn tiết bị TKNL. Việc giá điện còn thấp, chưa tiệm cận với giá thị trường dẫn tới không khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm.

Triển khai Luật sử dụng NLTK&HQ, trong bối cảnh khung pháp lý, thể chế, cơ chế chính sách về tài chính chưa hoàn thiện, thiếu những kinh nghiệm xây dựng các mô hình TKNL trong ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn là một trong những trở ngại thực thi tiết kiệm năng lượngTKNL tại Việt Nam. Các vấn đề thường gặp trong triển khai TKNL những năm qua được xác định như nhận thức của cộng đồng và DN còn hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận với thông tin về công nghệ và các giải pháp TKNL. DN không có vốn hoặc không tiếp cận được những khoản vay tín dụng ưu đãi cho các dự án TKNL.

Mặt khác, do các khó khăn về tài chính nên các DN dừng triển khai các dự án TKNL, đặc biệt là các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng như ngành thép và xi măng.

Hiện nay, chương trình hỗ trợ 30% tổng số vốn đầu tư về dây chuyền công nghệ, thiết bị hiệu suất cao cho các DN và không quá 5 tỷ đồng cho một DN không còn thu hút được các DN lớn đầu tư thay đổi dây truyền công nghệ, vì mức hỗ trợ nêu trên là khá thấp so với tổng mức đầu tư của DN. Nhiều DN còn chưa thực sự thực hiện các yêu cầu của Luật, chưa xây dựng mô hình quản lý năng lượng, cũng như xây dựng kế hoạch hàng năm và năm năm về tiêu thụ năng lượng tại DN, chưa báo cáo với cơ quan chức năng tại địa phương (Sở Công Thương) đầy đủ tình hình tiêu thụ năng lượng tại DN.

 

Còn hạn chế trong việc quản lý các DN tại địa phương, còn thiếu sự kết hợp giữa các Sở quản lý tại địa phương và cón lúng túng trong việc thanh tra, kiểm tra các DN thực hiện các quy định của Luật cũng là những khó khăn trong việc thực thi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Các dự án của DN gặp khó khăn do điều kiện kinh tế đi xuống nên không triển khai được theo kế hoạch, vì vậy mà các dự án đầu tư còn chậm và chưa thực hiện được.

 

Giá năng lượng trong năm 2013 đã tăng gần 10% nhưng so với khu vực giá năng lượng trong nước còn rất thấp, đã ảnh hướng đến việc thực hiện các biện pháp TKNL. Nguồn lực triển khai và giám sát thực hiện Luật TKNL và các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định liên quan từ Trung ương đến địa phương mặc dù đã có chuyển biến, tuy nhiên cần phải được bổ sung và đào tạo nâng cao năng lực. Nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện Chương trình chưa thật sự chủ động, tích cực triển khai các nội dung, nhiệm vụ được giao. Nguồn lực tài chính, lực lượng các chuyên gia kỹ thuật tại nhiều địa phương còn hạn chế, do vậy, việc thực hiện kiểm toán năng lượng cho các DN thuộc lĩnh vực này để xác định các giải pháp TKNL, tư vấn xây dựng dự án, tìm nguồn tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng còn yếu và thiếu.

 

Với kết quả đã đạt được của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong những năm qua và tiềm năng to lớn về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, Chương trình tiết kiệm năng lượng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, phát triển sâu rộng trong giai đoạn tới, giúp cho nước ta giải quyết được bài toán an ninh năng lượng, tiến tới một nền kinh tế carbon thấp và phát triển bền vững.

 

Sáu giải pháp tiến tới nền kinh tế carbon thấp

  • Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đưa chương trình tiết kiệm năng lượng thành hoạt động thường xuyên trong đời sống xã hội.
  • Đẩy mạnh việc triển khai xây dựng mô hình hộ gia đình TKNL, tăng cường sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời trong các hộ gia đình.
  • Đẩy mạnh triển khai chương trình dán nhãn năng lượng, bao gồm kiện toàn việc xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng của các thiết bị và tiêu chuẩn thử nghiệm để chứng nhận nhãn năng lượng cho các thiết bị
  • Tăng cường công tác hậu kiểm đối với các thiết bị dán nhãn năng lượng, nhằm thúc đẩy chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm về dán nhãn năng lượng như: không thực hiện dán nhãn năng lượng đối với các sản phẩm bắt buộc dán nhãn năng lượng theo quy định, dán sai mức hiệu suất năng lượng, nhãn năng lượng sai quy cách... Để triển khai công tác hậu kiểm này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý thị trường .
  • Xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật, định mức sử dụng năng lượng áp dụng trong các ngành sản xuất công nghiệp. Tháng 1/2014, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư “Quy định biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các ngành công nghiệp” và quy định định mức sử dụng năng lượng trong ngành hóa chất. Trong thời gian tới, Tổng cục Năng lượng sẽ tiếp tục xây dựng quy chuẩn kỹ thuật, định mức sử dụng năng lượng cho một số ngành công nghiệp như gang thép, công nghiệp đồ uống, giấy và bột giấy, chế biến thủy sản... và kế hoạch hành động, lộ trình thực hiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
  • Xây dựng và triển khai các cơ chế tài chính thúc đẩy các dự án đầu tư vào TKNL như các cơ chế cho vay ưu đãi, cơ chế hợp đồng dịch vụ năng lượng (ESCO).