Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 23:37 GMT+7

Tin hoạt động

Tiền Giang: Xử lý chất thải và xây dựng mô hình sản xuất sạch hơn

11/11/2014

Sở Công thương Tiền Giang chủ trì thực hiện đề tài “Đánh giá hiện trạng ô nhiễm và xử lý chất thải – xây dựng mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn tại 03 doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”, do KS. Nguyễn Văn Công chủ nhiệm với mục tiêu khảo sát, đánh giá hiện trạng ô nhiễm và xử lý chất thải của ngành chế biến thủy sản tại Tiền Giang (30 doanh nghiệp), trong đó lựa chọn 05 doanh nghiệp chế biến thủy sản có tiềm năng áp dụng sản xuất sạch hơn và thực hiện đánh giá sản xuất sạch hơn, đồng thời hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn sản xuất sạch hơn tại 03 doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Sau 12 tháng thực hiện, đề tài đạt được những kết quả như sau:

- Khảo sát, đánh giá hiện trạng ô nhiễm và hiện trạng xử lý chất thải của 27/30 doanh nghiệp chế biến thủy sản.

- Thực hiện đánh giá sản xuất sạch hơn và kiểm toán năng lượng tại 05 đơn vị (Công ty Cô phần Châu Âu, Công ty Cổ phần Nông Thủy sản Việt Phú, Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang, Công ty TNHH MTV LiChuan Food Products (Việt Nam), Công ty TNHH XNK Thủy sản An Phát). Qua đó đề xuất các giải pháp sản xuất sạch hơn, phân tích các lợi ích kinh tế và môi trường đạt được, đánh giá tính khả thi của các giải pháp sản xuất sạch hơn và lựa chọn giải pháp sản xuất sạch hơn để thực hiện cho từng đơn vị khảo sát.

- Xây dựng mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn tại 03 doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đồng thời thực hiện đánh giá sản xuất sạch hơn và kiểm toán năng lượng tại 03 đơn vị để đánh giá hiệu quả sản xuất sạch hơn (trước và sau khi áp dụng giải pháp):


1. Tại Công ty Cổ phần Nông Thủy sản Việt Phú: Đã thực hiện giải pháp thay thế các ballast sắt từ có hiệu suất kém trong các bộ đèn huỳnh quang có hiệu suất cao với chi phí đầu tư 24,7 triệu đồng; tiết kiệm điện 30.126 kWh/năm – tương ứng 44,7 triệu đồng/năm. Thời gian hoàn vốn 6,6 tháng và giảm phát thải 12,4 tấn CO2/năm.


2. Tại Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang: Thực hiện giải pháp lắp biến tần điều khiển bơm nước nóng vào xưởng chế biến cá fillet, theo dõi quan trắc số liệu trước và sau khi lắp đặt biến tần. Tổng đầu tư là 25 triệu đồng, tiết kiệm 3.672 kWh/năm – tương ứng 5,449 triệu đồng/năm Thời gian hoàn vốn là 4,59 năm và giảm phát thải 1,516 tấn CO2/năm.

Ngoài ra, Công ty còn thực hiện giải pháp thay bóng đèn sợi đốt 250W thành bóng compact 50W.Tổng đầu tư là 12,3 triệu đồng, tiết kiệm 51.120 kWh/năm – tương ứng 75.682 triệu đồng/năm. Thời gian hoàn vốn là 2 tháng và giảm phát thải 21,11 tấn CO2/năm.

3. Tại Công ty TNHH MTV LiChuan Food Products (Việt Nam): Công ty đã thực hiện giải pháp bảo ôn đường ống dẫn hơi nước và hệ thống phân phối hơi, theo dõi quan trắc số liệu trước và sau khi thực hiện bảo ôn. Tổng đầu tư là 27,15 triệu đồng, tiết kiệm 756 lít dầu DO/năm tương ứng 17,25 triệu đồng/năm, thời gian hoàn vốn là 19 tháng và giám phát thải 2,16 tấn CO2/năm.

Ngoài ra, Công ty còn thực hiện giải pháp lắp biến tần cho bơm nước lạnh vào xưởng sản xuất, theo dõi quan trắc số liệu trước và sau khi lắp đặt biến tần. Tổng đầu tư là 9,6 triệu đồng, tiết kiệm 10.920 kWh/năm – tương ứng 16,2 triệu đồng/năm. Thời gian hoàn vốn là 7 tháng và giảm phát thải 4,5 tấn CO2/năm.

Qua xây dựng mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn tại 03 doanh nghiệp cho thấy, việc áp dụng sản xuất sạch hơn không những giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng sử dụng, giảm lượng nước tiêu thụ, giảm phát thải mà còn giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định uy tín thương hiệu.

Lê Ngọc