Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 23/11/2024 | 15:05 GMT+7

Tin hoạt động

Đắk LắK: Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hiệu quả từ những mô hình nhỏ

06/11/2014

Cơ sở xay xát của bà Phạm Thị Huế (thôn 4, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp) chuyên thu mua nông sản của người dân và chế biến gạo. Trước đây, cơ sở gặp khó khăn do thiếu vốn đầu tư đổi mới ứng dụng thiết bị công nghệ để mở rộng sản xuất. Năm 2014, cơ sở này được Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) chọn triển khai đề án hỗ trợ máy móc, thiết bị hiện đại trong dây chuyền sản xuất gạo, công suất 3 - 3,5 tấn/giờ, với tổng số vốn 210 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Sau khi đưa vào vận hành, sản phẩm được chế biến theo quy trình hiện đại: lúa được loại bỏ tạp chất, đưa vào máy bóc vỏ, tách cám thô, phân ly, xát trắng, đánh bóng, làm cho hạt gạo nhẵn, đẹp hơn và giảm được 10% chi phí sản xuất so với trước đây. Ông Trịnh Văn Cường, Phó trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Ea Súp cho biết, qua đề án này, các cơ sở sản xuất gạo có điều kiện tiếp cận công nghệ hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất, tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm gạo, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động với thu nhập từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Cơ sở Minh Chiến của anh Trần Quang Thủ (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) trước đây chủ yếu thu gom rác thải, phế phẩm rồi đem tới nơi khác có đủ khả năng xử lý, tái chế sản phẩm. Mặt khác, do ít vốn nên anh Thủ chỉ đầu tư mua dây chuyền, máy móc cũ, công suất chế biến hạt nhựa chỉ đạt 150 - 200 kg sản phẩm/giờ, chất lượng sản phẩm cũng không cao.

Trong bối cảnh đó, anh được Trung tâm khuyến công hỗ trợ mua dây chuyền công nghệ mới: máy băm, hút, cắt hạt nhựa…, tổng chi phí 300 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công địa phương, công suất đạt 300 kg sản phẩm/giờ; hao hụt nguyên liệu giảm 10%; giảm ô nhiễm môi trường và tăng lợi nhuân lên 2,2 triệu đồng/tấn sản phẩm. Sau khi đi vào vận hành, cơ sở cũng đã tạo việc làm thường xuyên cho 7- 10 lao động, với mức thu nhập từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, cơ sở đã tạo ra nguồn nguyên liệu (hạt nhựa) tại chỗ phục vụ cho nhiều cơ sở sản xuất bao bì trên địa bàn huyện Buôn Đôn và vùng lân cận.

Không chỉ hỗ trợ hai cơ sở trên, năm 2014, Trung tâm khuyến công còn thực hiện 1 đề án khuyến công quốc gia và 17 đề án khuyến công địa phương, với tổng kinh phí hơn 3,2 tỷ đồng, trong đó có một số đề án tiêu biểu như hỗ trợ ứng dụng thiết bị sản xuất củi đốt, đá ốp lát, bao bì, phân vi sinh, gỗ mỹ nghệ, bồn inox, thiết bị ép phế liệu... Riêng lĩnh vực giảm tổn thất nông sản sau thu hoạch, Trung tâm cũng đã hỗ trợ tổ hợp bóc tẻ hạt và máy sấy nông sản tại xã Cư Elang, huyện Ea Kar, tổng kinh phí 200 triệu đồng, góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa khâu bóc tẻ, phơi sấy, giảm tổn thất ngô từ 14-15% trước đây xuống còn 10%. Nhìn chung, phần lớn các đề án khuyến công bước đầu đều phát huy hiệu quả, giúp các đối tượng thụ hưởng áp dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn.

 

Minh Thông