Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 15/01/2025 | 13:15 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Nhựa sinh học làm từ vỏ tôm, cua

13/01/2021

Từ các phế phẩm của ngành chế biến thuỷ hải sản như vỏ tôm, cua, ghẹ,… nhóm sinh viên Trường Đại học Trà Vinh đã chế tạo thành công nhựa sinh học.
Loại nguyên liệu này có thể dùng để chế tạo các sản phẩm như ly nhựa, đũa, muỗng, đĩa. Đây là một trong những sáng tạo độc đáo, tính ứng dụng cao, mang ý nghĩa rất thiết thực góp phần bảo vệ môi trường.
Sản phẩm nhựa sinh học được chế biến từ vỏ tôm, cua, ghẹ.
Sự sáng tạo độc đáo này là kết quả nghiên cứu của nhóm sinh viên Nguyễn Phương Khánh, ngành Hóa học Ứng dụng; Huỳnh Hoàng Khang, ngành Quản trị Kinh doanh và Chung Mỹ Phúc, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh. Xuất thân từ vùng nuôi trồng thủy sản, hơn ai hết, các sinh viên thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và hạn chế rác thải từ phế phẩm thủy sản.
Theo Nguyễn Phương Khánh, ý tưởng được bắt đầu với mong muốn góp phần giải quyết vấn đề tồn đọng phế phẩm thủy sản. Vừa giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường bằng việc dần thay thế các sản phẩm nhựa hóa học khó phân hủy. Gia tăng giá trị ngành sản xuất và nuôi trồng thủy sản, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân.
Ý tưởng được hình thành, Nguyễn Phương Khánh cùng bắt tay với Huỳnh Hoàng Khang và Chung Mỹ Phúc thực hiện dự án. Mục đích chính là sản xuất các vật dụng bằng nhựa sinh học (ly, đĩa, bát, đũa, muỗng, hộp…) tái chế từ phế thải thủy sản như vỏ tôm, vỏ cua, vỏ ghẹ… Trưởng nhóm Nguyễn Phương Khánh chia sẻ: “Chứng kiến cảnh vỏ tôm, vỏ cua do người dân vớt từ đáy ao lên bờ gây ô nhiễm môi trường. Từ năm 2018, em đã có ý tưởng tận dụng vỏ tôm, vỏ cua để tạo ra sản phẩm nhựa sinh học, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường”.
Đến tháng 6/2020, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện quy trình và có được những sản phẩm bằng nhựa sinh học như ly, đĩa, bát, đũa, muỗng được tái chế từ vỏ tôm, cua, ghẹ... 
Nhóm nghiên cứu cân lượng vỏ tôm đã nghiền thành bột để sản xuất ly, chén, đĩa.
Chia sẻ về quy trình sản xuất nhựa sinh học, Phương Khánh cho biết, nhóm thu gom vỏ tôm, cua, ghẹ của nông dân rồi rửa sạch, sấy hoặc phơi khô trước khi nghiền nát. Tiếp theo là loại bỏ các chất khoáng, protein rồi phối trộn tạo thành nhựa sinh học.
Khoảng 100g nguyên liệu (vỏ tôm và các chất phụ gia khác) sẽ sản xuất được 10 ly hoặc khay nhựa, có giá thành dự tính khoảng 10.000 đồng. Trong sản phẩm hoàn chỉnh, vỏ tôm chiếm 65%, còn lại là các chất nhựa, bột màu, dầu hóa dẻo... "Tất cả các chất tạo thành sản phẩm nhựa sinh học đều an toàn và thân thiện môi trường", Khánh nói.
Nhận xét về tính sáng tạo và khả thi của dự án, thầy Nguyễn Văn Vũ An, Phó Bí thư Đoàn trường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp, Trường Đại học Trà Vinh cho rằng: Sản phẩm nhựa sinh học tái chế từ phế thải thuỷ sản là sản phẩm thân thiện môi trường, không gây độc hại cho các loài động vật. Đặc biệt, bảo vệ sức khoẻ con người, an toàn cho người sử dụng nên việc sản xuất và thương mại hoá sản phẩm là hoàn toàn khả thi, góp phần giải quyết gánh nặng trong việc bảo vệ môi trường.
Dự án “Sản phẩm nhựa sinh học tái chế từ phế thải thủy sản” của nhóm tác giả Nguyễn Phương Khánh, Chung Mỹ Phúc và Huỳnh Hoàng Khang là 1 trong 2 dự án sinh viên TVU lọt vào top 15 vòng thuyết trình cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL 2020 tại Cần Thơ, và đạt giải Nhì cuộc thi Hult Prize khu vực Đông Nam Á được tổ chức tại Trường Đại học Trà Vinh. Đây là cuộc thi khởi nghiệp danh giá nhất thế giới, còn được gọi là “Giải Nobel dành cho sinh viên”, là giải thưởng thường niên được tổ chức cho sinh viên toàn thế giới.
Mai Anh t/h