Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 15:44 GMT+7

Sản xuất bền vững

Đẩy mạnh sản xuất sạch hơn trong công nghiệp

17/02/2021

Ngày 20/11, tại TP. Đà Nẵng, Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020.

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Ngày 7/9/2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020” với mục tiêu sản xuất sạch hơn (SXSH) được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nhiên liệu, nguyên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và phát triển bền vững.
Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì triển khai 4/5 đề án của Chiến lược gồm: Nâng cao nhận thức và năng lực áp dụng SXSH trong công nghiệp; xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu và trang thông tin điện tử về SXSH trong công nghiệp; hỗ trợ kỹ thuật về áp dụng SXSH tại cơ sở sản xuất công nghiệp; hoàn thiện mạng lưới các tổ chức hỗ trợ SXSH trong công nghiệp.
Tổng kinh phí thực hiện chiến lược trong 10 năm vào khoảng 141,79 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 15,89 tỷ đồng, kinh phí của địa phương 115,9 tỷ đồng (41 tỉnh, thành phố) và Đan Mạch tài trợ thực hiện 10 tỷ đồng. 
Qua 10 năm triển khai Chiến lược SXSH trong công nghiệp, đến nay đã có 68,5% doanh nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH, tăng 20,5% so với năm 2010; 46,9% cơ sở sản xuất áp dụng SXSH, tăng 35,9% so với năm 2010, 12% trong số đó đã đạt mức tiết kiệm 8% trở lên trong giảm năng lượng, nguyên nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, đã có 21% doanh nghiệp vừa và lớn có bộ phận chuyên trách về hoạt động sản xuất sạch hơn.
Bộ Công Thương đã xây dựng, vận hành và duy trì trang web về Chiến lược SXSH giải đáp các thắc mắc của người dân, doanh nghiệp, các địa phương về sản xuất sạch hơn. Đáng chú ý, hiện nay mạng lưới các tổ chức hỗ trợ SXSH trong công nghiệp đã phủ khắp các tỉnh thành trong cả nước. Đã có 47 trung tâm khuyến công, tiết kiệm năng lượng trên cả nước. 63 tỉnh, thành phố đều đã có chuyên gia về SXSH. 

Một DN Đà Nẵng hướng đến sản xuất sạch hơn trong công nghiệp - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương, quá trình triển khai Chiến lược SXSH trong doanh nghiệp bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế. Khó khăn lớn nhất đó là vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạnh trong thực hiện SXSH và thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư, thực hiện các giải pháp đầu tư lớn cũng như chưa có cơ chế tài chính ưu đãi và ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện các dự án SXSH.
Trong giai đoạn 2021-2030, chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững sẽ tập trung thực thiện tốt mục tiêu thứ 12 trong phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Trong đó, đặt mục tiêu sẽ giảm thêm 5-10% tiêu hao nguyên vật liệu trong các ngành công nghiệp; sẽ xây dựng thành công 20-30 mô hình về sản xuất bền vững và phổ biến nhân rộng mô hình; 85-100% các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm, bao bì thân thiện môi trường, 80-100% tỉnh, thành phố trung ương tuyên truyền phổ biến về tiêu dùng bền vững; 70-100% khu cụm côn nghiệp được phổ biến nâng cao về SXSH và tiêu dùng bền vững (SCP), 70-90% tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch hành động lồng ghép vào các chương trình hoạt động phát triển kinh tế-xã hội.
"Để thực hiện thành công những mục tiêu trên, chúng tôi hướng đến việc tăng cường đưa vai trò tham gia của doanh nghiệp vào áp dụng SXSH; tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp để thực hiện tốt các mục tiêu trên. Thời gian tới, chúng tôi cũng phải xem lại và hoàn thiện cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện SXSH. Và đến một lúc nào đó phải đưa ra những chế tài nhất định để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện, cam kết thực hiện SXSH và tiêu dùng bền vững”, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết
Tại Hội nghị, Bộ Công Thương đã phát động Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. 
Các nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 gồm: Hoàn thiện chính sách pháp luật thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển nhiên liệu, nguyên vật liệu có thể tái tạo, tái sinh; thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm.
Phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững; thúc đẩy dán nhãn và chứng nhận nhãn sinh thái; đẩy mạnh phát triển thị trường bền vững, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng; đẩy mạnh mua sắm bền vững; nâng cao năng lực, tăng cường giáo dục và thực hành lối sống bền vững; thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn đối với chất thải; đẩy mạnh truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững;
Xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin về sản xuất và tiêu dùng bền vững; phát triển khoa học công nghệ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; thúc đẩy tiếp cận và hỗ trợ tài chính xanh; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Theo Báo điện tử Chính phủ