Đánh giá thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ngành Công Thương: cần đổi mới và cụ thể hơn
Sáng ngày 31 tháng 8 năm 2020, Hội thảo đánh giá thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững do Bộ Công thương chủ trì đã diễn ra với sự tham gia của đại diện các đơn vị liên quan và chuyên gia trong lĩnh vực phát triển bền vững.
Hội thảo nhằm đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương theo Quyết định 4917/QĐ-TTg.
Bộ Công Thương đã và đang xây dựng nhiều chính sách thúc đẩy PTBV tòan ngành.Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công thương, cho biết “Hệ thống chính sách pháp luật về phát triển bền vững và tăng trưởng của Việt Nam đang được hoàn thiện. Nhằm cụ thể hóa Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về PTBV, Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành các chính sách PTBV trong ngành Công Thương, trong đó bao gồm Quyết định số 4917/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia vì sự PTBV đã được ban hành nhằm cụ thể hóa Quyết định 622/QĐ-TTg. Năm 2019, một số văn bản PTBV cụ thể hóa Quyết định 622/QĐ-TTg mới được ban hành, điển hình là Quyết định 681/QĐ-TTg, Thông tư 03/TT-BKHĐT. Theo đó, các nhiệm vụ và trách nhiệm của Bộ Công Thương đã được quy định rõ. Bởi vậy, việc rà soát đánh giá và điều chỉnh Quyết định 4917/QĐ-TTg theo hướng cập nhật, bổ sung các nhiệm vụ mới là cấp thiết nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao".
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nêu lên một số kết quả thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương theo Quyết định 4917/QĐ-TTg. Theo đó, các đại biểu đã đánh giá một số kết quả rất đáng khích lệ trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, sản xuất và tiêu dùng bền vững, hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất thương mại theo hướng bền vững của ngành công thương, v.v.
Tuy nhiên, một cách khách quan, các đại biểu nói chung cũng nhìn nhận còn một số bất cập trong tiến trình thực hiện. Nguyên do chủ yếu, theo các đại biểu, một phần do phạm trù PTBV là một lĩnh vực bao quát rất rộng, còn mang tính lượng hoá chưa cao; phần khác do công tác thống kê, đánh giá giám sát nói riêng còn nhiều bất cập, khó thực hiện. Thêm vào đó, một số khó khăn đến từ việc thiếu kinh phí thực hiện; sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ ở một số hoạt động, lĩnh vực; hệ thống dữ liệu thông tin chưa đầy đủ và tập trung... dẫn đến công tác thống kê, đánh giá các chỉ tiêu về PTBV của ngành rời rạc, hạn chế; tinh thần trách nhiệm và ý thức hợp tác của một số doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước, chưa cao dẫn đến việc báo cáo số liệu chưa chính xác, còn mang tính hình thức.
Qua Hội thảo, các đại biểu đóng góp ý kiến về sự cần thiết xây dựng văn bản mới, trong đó bao gồm các nội dung cụ thể nhằm hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ thực hiện các quy định mới ban hành theo Quyết định 622/QĐ-TTg, góp phần triển khai các hoạt động PTBV hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Trường Giang