Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:09 GMT+7

Tin hoạt động

Na Uy hỗ trợ 2 dự án xử lý rác thải nhựa

23/06/2020

Hai dự án được khởi động là “Nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa tại 5 thành phố” (DWP5C) và “Thử thách sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa” (EPPIC).
Dự án DWP5C nhằm tích hợp quản lý rác thải sinh hoạt và nhựa cấp địa phương, tại năm địa phương thuộc tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận, Bình Dương.
Theo kế hoạch dự án, UNDP sẽ hỗ trợ các tổ chức địa phương như Hội nông dân và Hội phụ nữ để tăng cường phân loại, thu gom, tái chế rác và làm phân compost, đẩy mạnh thị trường nguyên liệu thứ cấp, đồng thời hợp tác với các doanh nghiệp để giới thiệu biện pháp tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy đầu tư vào các công nghệ xanh. Ngoài ra, UNDP sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương để xây dựng và thực hiện các quy định về rác thải.
Với dự án EPPIC, các đối tác thống nhất mục tiêu chung để giải quyết các vấn đề ô nhiễm nhựa tại các khu vực ven biển Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Theo đó, ngày 25/6 tới UNDP sẽ phát động kêu gọi các giải pháp sáng tạo tại tất cả các nước ASEAN. 
Giai đoạn đầu của dự án, thử thách sẽ diễn ra tại khu Di sản Thế giới UNESCO Vịnh Hạ Long (Việt Nam) và địa điểm du lịch nổi tiếng Koh Samui (Thái Lan). Các bên tham gia thử thách đoạt giải sẽ nhận được hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của UNDP để tiếp tục nhân rộng các giải pháp với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Tại họp báo khởi động dự án, bà Grete Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam cho biết “Rác thải ô nhiễm đại dương là một trong những mối quan tâm về môi trường đang nổi lên nhanh chóng trên thế giới, trong đó Na Uy với tư cách là một đối tác lâu dài, đang tích cực nêu vấn đề trên nhiều diễn đàn khu vực và toàn cầu.”
Về phía UNDP, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, chia sẻ "Giải quyết ô nhiễm nhựa cần sự ứng phó kết hợp của các quốc gia với sự tham gia của các chính phủ, người dân, doanh nghiệp. UNDP cam kết chung tay với các chính phủ Na Uy, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines và những người lao động tham gia xử lý rác thải thuộc khu vực phi chính thức, nhằm thúc đẩy các giải pháp đổi mới để giải quyết thách thức ô nhiễm nhựa trong khu vực ASEAN.
Về phía đại diện cơ quan quản lý môi trường biển Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, ông Nguyễn Quế Lâm cảm ơn các đối tác và cam kết triển khai thành công 02 dự án nhằm đảm bảo các lợi ích môi trường-xã hội-kinh tế cho người dân.
Các quốc gia ASEAN có nguồn rác thải nhựa lớn nhất ra đại dương, trong đó chỉ riêng Việt Nam đã tạo ra 1,8 triệu tấn rác thải nhựa hàng năm, tăng 16% mỗi năm trong khi hiện chỉ có 27% lượng rác thải được tái chế.
Thanh Thành