Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:43 GMT+7

Sản xuất bền vững

Hợp tác công - tư trong xử lý rác thải nhựa

15/04/2020

Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn với rác thải nhựa ...

Nguồn ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường

Vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận “Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa” giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam (Dow Việt Nam), Tập đoàn SCG và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam.

Thoả thuận đánh dấu bước ngoặt trong hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp trong vấn đề quản lý và xử lý rác thải nhựa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Theo ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, rác thải nhựa đang là cuộc khủng hoảng toàn cầu và là một trong những thách thức môi trường lớn nhất. Chỉ 9% chất thải nhựa được tái chế, khoảng 12% bị thiêu hủy; phần còn lại 79% được tích lũy trong các bãi chôn lấp, bãi rác hoặc môi trường tự nhiên.

Vấn đề rác thải nhựa đối với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam cũng là thách thức rất lớn phải đối mặt. Với quy mô dân số gần 100 triệu, cơ sở hạ tầng và công nghệ xử lý rác chưa hoàn thiện và còn lạc hậu ở nhiều nơi, đây thực sự là bài toán khó giải quyết.

Mặt khác, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhấn mạnh vấn đề này không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà với cả cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.

Vì vậy, đây có thể coi là hành động thiết thực nhằm  chia sẻ mục tiêu, tầm nhìn và trách nhiệm giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp thông qua mô hình hợp tác công - tư để thúc đẩy phân loại, tái chế chất thải nói chung và rác thải nhựa hiệu quả hơn.

Chia sẻ về mô hình này, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam, cho biết “Kinh tế tuần hoàn cũng như phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải nhựa dù đã được nhắc đến rất nhiều tại Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta thiết lập được một nhóm làm việc tâm huyết để triển khai mô hình này thực tế và hiệu quả. Với sự đồng thuận của cơ quan quản lý cùng các đối tác, một lần nữa khẳng định hướng tiếp cận đúng đắn về nền kinh tế tuần hoàn chính là giải pháp bền vững cho rác thải nhựa tại Việt Nam.”

Sau khi Biên bản ghi nhớ được ký kết, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các doanh nghiệp sẽ thành lập Tổ công tác chung để xây dựng, thực hiện kế hoạch cụ thể về 4 nội dung ưu tiên. Đó là:

Nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa và phân loại rác tại nguồn;

Hỗ trợ các hoạt động phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải nhựa;

Tăng cường đổi mới công nghệ và giải pháp tái chế rác thải nhựa;

Tăng cường đối thoại và xây dựng chính sách hỗ trợ kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.

Hải Hà