Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 19/01/2025 | 09:40 GMT+7

Tin hoạt động

Kinh tế chia sẻ: Con đường mới dẫn đến tăng trưởng bền vững

18/05/2020

Lợi ích lớn nhất của mô hình kinh tế chia sẻ là tiết kiệm tài nguyên thông qua việc sử dụng tiết kiệm tài sản trong toàn bộ vòng đời của nó. Việt Nam cũng dần định hướng thúc đẩy phát triển mô hình này trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Mở ra nhiều cơ hội về thu nhập và lựa chọn
Theo Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), “kinh tế chia sẻ” là một hệ thống kinh tế mà ở đó tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ dùng chung giữa các cá nhân, hoặc không phải trả tiền hoặc trả một khoản phí, với tính chất điển hình là thông qua các công cụ Internet. 
Mô hình và các hoạt động của nền kinh tế chia sẻ đã xuất hiện khá lâu trên thế giới, tuy vậy, đến thời điểm hiện nay mới có những bước phát triển đột phá nhờ thành tựu phát triển của khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, đặc biệt là trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mô hình này được coi là yếu tố cốt lõi của nền kinh tế số. Giá trị lớn nhất của mô hình kinh doanh chia sẻ là tác động lên hầu hết các lĩnh vực kinh doanh truyền thống, buộc thay đổi và cạnh tranh, tiết giảm chi phí và tận dụng tối đa các nguồn lực…
Hình thức chia sẻ quyền sở hữu phương tiện ô tô giúp cắt giảm lượng lớn khí thải CO2
Trên thế giới, kinh tế chia sẻ đã nổi lên và đang phát triển với một tốc độ khá nhanh. Quy mô của nền kinh tế chia sẻ ước tính có giá trị 14 tỷ USD năm 2014 và sẽ tăng lên 335 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng lên tới 34 - 35%/năm.
Cơ sở của sự phát triển này xuất phát từ việc kinh tế chia sẻ đã thực sự len lỏi vào tận văn phòng, bàn ăn, phương thức đi lại… của mỗi công dân thời đại số. Với lĩnh vực thâm nhập ngày càng đa dạng, kinh tế chia sẻ không chỉ giúp cuộc sống cá nhân thêm tiện lợi, dễ dàng và thú vị, mà còn mở ra nhiều cơ hội tăng thu nhập. Người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn về sản phẩm cũng như dịch vụ với mặt bằng chất lượng cao hơn và giá cả cũng phải chăng hơn, nhờ sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
Theo nghiên cứu của Công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers tại Anh, doanh thu toàn cầu từ các công ty cung cấp nền tảng ứng dụng kinh tế chia sẻ đạt 15 tỷ USD vào năm 2014 và dự báo đạt tới 335 tỷ USD vào năm 2025, tức là tăng gấp 22 lần trong 10 năm. Tại Mỹ, tổng giá trị các doanh nghiệp tham gia kinh tế chia sẻ tính đến năm 2018 đạt trên 463,9 tỷ USD, chiếm hơn 3% GDP. Còn tại Trung Quốc, quy mô của thị trường kinh tế chia sẻ năm 2015 đã vượt ngưỡng hơn 152 tỷ USD và Chính phủ Trung Quốc kỳ vọng nền kinh tế chia sẻ sẽ đóng góp 10% GDP vào năm 2020. Tại Úc, theo số liệu của Tổ chức nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Úc (CSIRO) đến cuối năm 2018, có hơn 50% dân số nước này từng sử dụng hoặc cung cấp các dịch vụ kinh doanh chia sẻ.
Tiết kiệm tài nguyên, giảm ô nhiễm
Nền kinh tế tại các nước sẽ có tác động tích cực đến môi trường, thông qua việc giảm tổng tài nguyên cần thiết cho các dịch vụ và giảm các chất gây ô nhiễm. Khi tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng khó lường, việc chia sẻ xe hơi có thể giúp giảm đến 37% lượng khí các bon thải ra môi trường.
Một số nhà môi trường học cho rằng, nền kinh tế chia sẻ là một "con đường mới tiềm năng đến sự bền vững". Cơ sở của nhận định này xuất phát từ lợi ích lớn nhất của mô hình kinh tế chia sẻ là việc tiết kiệm tài nguyên thông qua việc sử dụng tiết kiệm tài sản trong toàn bộ vòng đời của nó.
Ví dụ, các xe cá nhân được dùng cho việc cung cấp dịch vụ cho Uber, Grab, Lyft… giúp tiết kiệm tài nguyên của tài sản. Hay dịch vụ cho thuê thiết bị nông nghiệp của nền tảng Trringo do Công ty ô tô Mahindra & Mahindra ở Ấn Độ đã cho phép nông dân thuê được thiết bị, máy móc nông nghiệp bằng cách gọi điện, góp phần thúc đẩy sự thịnh vượng của vùng nông thôn. Chỉ khoảng 15% trong số 120 triệu nông dân Ấn Độ có khả năng chi trả để sở hữu thiết bị cơ khí nông nghiệp. Vì vậy, nền tảng này đã cho phép những nông dân khác cũng có thể sử dụng được máy móc nông nghiệp với chi phí thấp hơn nhiều.
Đồng thời, với việc tiết kiệm trong sử dụng tài sản, máy móc, thiết bị, tiết kiệm tài nguyên… các hoạt động kinh tế chia sẻ cũng có tác động tích cực tới môi trường thông qua giảm phát thải khí nhà kính, giảm khối lượng các chất thải ra môi trường. 
Đơn cử như trong các hoạt động giao thông, các nhà nghiên cứu nhận thấy, từ việc gọi Uber đến sử dụng các công viên và thư viện công cộng, các tài nguyên được chia sẻ có thể cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng cá nhân và giúp khắc phục biến đổi khí hậu. Các dịch vụ tham gia giao thông bằng hình thức chia sẻ quyền sở hữu phương tiện ô tô (car sharing) cho thấy việc cắt giảm đáng kể số lượng ô tô và lượng sở hữu ô tô cá nhân tại một số nước như Na Uy, Iceland và Hà Lan..., từ đó, giúp cắt giảm được 5 tấn tấn khí thải CO2 do các khâu sản xuất và bảo trì xe ô tô hàng năm.
Riêng tại Hà Lan, việc chia sẻ một chiếc xe với 165 thành viên sẽ giúp cho việc cắt giảm khí CO2 lên tới 85 - 175 kg khí thải CO2 cho mỗi thành viên một năm. Ngoài ra, diện tích dành cho dịch vụ đỗ xe được cắt giảm đến 29% do lượng xe ô tô tham gia giao thông giảm xuống, trong khi đó, tổng lượng nhiên liệu phục vụ cho ngành giao thông giảm đi 17% hằng năm.
Những thống kê này cho thấy, lợi ích của mô hình kinh tế chia sẻ đang phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới. Và Việt Nam cũng dần định hướng thúc đẩy phát triển mô hình này trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Các mô hình kinh tế chia sẻ đã cho thấy được khả năng phục vụ cho sự phát triển của xu hướng phát triển bền vững nói chung trên toàn thế giới. Các cơ chế bán lại, cho thuê, đồng sở hữu, cho thuê hoặc cho vay ngắn hạn… tất cả đều đạt được giá trị lớn nhất là gia tăng được vòng đời sản phẩm. Sự chia sẻ quyền sở hữu ước tính có thể cắt giảm một phần tư các chi phí cá nhân và một phần ba cho các năng lượng phát thải cho sinh hoạt và sử dụng tài nguyên. Các tính toán được chỉ ra rằng, nếu các mô hình chia sẻ được thực hiện dưới các điều kiên thuận lợi, chi phí có thể tiết kiệm tới 7% và giảm lượng chất thải lên tới 20%.
Theo Báo Tài nguyên môi trường