Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 04:35 GMT+7

Sản xuất bền vững

Xu hướng phát triển tín dụng xanh cho ngành nông nghiệp sạch

05/05/2020

Trên thực tế, xu hướng tăng trưởng tín dụng xanh thường là các dự án tiết kiệm năng lượng, tái tạo năng lượng và công nghệ sạch nhằm hướng đến mục tiêu “kép” là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, những năm gần đây các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch ngày càng được nhiều ngân hàng quan tâm với nhiều gói tín dụng ưu đãi.
Hiện hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất nông nghiệp sạch... là một trong những lĩnh vực cho vay được hưởng các chương trình ưu tiên về lãi suất của ngân hàng.
Còn nhiều dư địa tiếp tục tăng trưởng tín dụng xanh
Hiện nay, xu thế chung của ngành ngân hàng là triển khai mạnh mẽ các gói tín dụng xanh, trong đó có dư địa lớn cho lĩnh vực nông nghiệp sạch. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) tính đến hết quý II/2019, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh đạt khoảng 317.600 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó dư nợ tín dụng trung - dài hạn chiếm 76% dư nợ tín dụng xanh. Lãi suất cho vay các lĩnh vực xanh ngắn hạn từ 5-8%/năm, trung - dài hạn từ 9-12%/năm.
Dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh với 45% tổng dư nợ tín dụng xanh; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 17%; quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn chiếm 11% và lâm nghiệp bền vững chiếm 5%.
Đến hết quý II/2019, riêng tại Agribank dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh đạt 6.065 tỷ đồng với dư nợ nông nghiệp xanh đạt 647 tỷ đồng; lâm nghiệp bền vững đạt 77 tỷ đồng; công nghiệp xanh đạt 906 tỷ đồng.
Không nằm ngoài xu thế, HD Bank cũng xác định một trong những mục tiêu phát triển trọng tâm là tín dụng xanh. Hiện ngân hàng này dành riêng 10.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch nhằm thúc đẩy nông nghiệp theo xu hướng cách mạng 4.0, góp phần kiến tạo một quốc gia khỏe mạnh và hội nhập hơn.
Mới đây nhất, giữa tháng 1/2020, Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) ký kết hợp đồng cho vay tín dụng xanh trị giá 212,5 triệu USD với Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) và các nhà đồng tài trợ quốc tế uy tín. Đại diện VPBank cho biết, một phần ba gói tài chính này sẽ được dành riêng cho các dự án thân thiện với khí hậu.
Triển khai vẫn còn chậm
Tín dụng xanh được đánh giá là còn nhiều dư địa phát triển tuy nhiên tình hình triển khai vẫn còn chậm. Ảnh: ST
Đánh giá về xu hướng này, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng trong thời gian qua, tình hình triển khai tín dụng xanh, tài chính xanh tại Việt Nam có nhiều tích cực, nhiều dự án xanh đã được hỗ trợ vay vốn ưu đãi. Tuy vậy, việc triển khai vẫn còn chậm, chưa đáp ứng kịp yêu cầu để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Trên thực tế, theo ghi nhận tại nhiều ngân hàng, dư nợ cho vay đối với hoạt động tín dụng xanh trong thời gian qua là chưa nhiều. Đại diện nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, dù đẩy mạnh cho vay tín dụng xanh với giá ưu đãi, song không phải dự án nào có yếu tố “xanh” cũng được cấp tín dụng mà cần phải đạt được những tiêu chí nhất định. Cụ thể, đối với dự án của doanh nghiệp phải chứng minh được tính hiệu quả, minh bạch thông tin, kinh doanh có lợi nhuận, có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ “xanh” tối thiểu 1 năm, đặc biệt phải chứng minh được đầu ra của sản phẩm. Đối với cá nhân, phải đảm bảo năng lực tài chính và hồ sơ “sạch”, không có nợ xấu.
Ngày 7/8/2018, NHNN đã ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam (Đề án 1604) nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Theo đề án, phấn đấu đến năm 2025, 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; 100% các ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng. Ít nhất 10-12 ngân hàng có đơn vị/ bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.
Hạnh Phúc tổng hợp