Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 15:49 GMT+7

Sản xuất bền vững

EU hỗ trợ ngành công nghiệp nặng giải quyết thách thức về khí hậu

07/04/2020

Liên minh châu Âu (EU) sẽ xem xét các quy tắc viện trợ nhà nước và khởi động dự án sản xuất hydro sạch, thay thế nhiên liệu hóa thạch nhằm giúp các doanh nghiệp ở châu Âu duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu khi bắt đầu cắt giảm khí thải quy mô lớn.
Chiến lược công nghiệp của EU, do Ủy ban điều hành châu Âu công bố mới đây, đưa ra một tầm nhìn dài hạn, thúc đẩy ngành công nghiệp hướng tới mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính xuống mức 0 vào năm 2050 của EU. 
Ủy ban châu Âu (EC) sẽ xây dựng một “liên minh” kết hợp cả công và tư để sản xuất hydro sạch, theo mô hình của dự án pin trị giá 8,3 tỷ euro (tương đương 9,4 tỷ USD) quy tụ 7 quốc gia EU và 17 công ty.
Sử dụng hydro làm nguồn nhiên liệu thay thế cho than hoặc khí đốt có thể cắt giảm khí thải trong các lĩnh vực như thép, nhưng công nghệ này vẫn tốn rất nhiều chi phí.
Các công ty cần phải sử dụng một lượng điện sạch lớn để thể hiện sự ủng hộ với các công nghệ như sản xuất hydro. Brussels, Bỉ sẽ lập một kế hoạch chi tiết hơn để đảm bảo nguồn cung này.
“Đối với ngành công nghiệp, để giảm lượng khí thải, cần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và quan trọng là tiếp cận được với nguồn cung cấp năng lượng carbon thấp với giá cả cạnh tranh", Ủy viên kinh tế hàng đầu của EU, ông Valdis Dombrovskis cho biết.
Đối với một số lĩnh vực, mục tiêu đến năm 2050 của EU chỉ còn một hoặc hai chu kỳ đầu tư, đồng nghĩa với việc ngay từ bây giờ các công ty phải đầu tư vào các dự án carbon thấp. 
Khoảng một nửa công suất sản xuất thép của Đức và gần một phần ba các nhà máy xi măng của nước này sẽ cần phải tái đầu tư lớn trong thập kỷ tới.
Các công ty châu Âu đã triển khai các dự án thí điểm sản xuất thép sử dụng năng lượng hydro và thu giữ lượng khí thải carbon từ sản xuất xi măng.
Tuy nhiên, trong khi các dự án thí điểm chỉ tốn kém khoảng 20-80 triệu euro, thì con số này ở các dự án quy mô thương mại có thể lên đến hàng trăm triệu euro.
EC cũng sẽ sửa đổi các quy tắc viện trợ nhà nước về năng lượng và môi trường vào năm 2021 để khuyến khích các quốc gia thành viên phân bổ các quỹ trong nước nhằm nhân rộng các dự án trên.
Một nhóm gồm 8 quốc gia EU, Bulgaria, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ý, Luxembourg, Romania và Tây Ban Nha, rất ủng hộ chiến lược công nghiệp. Theo nhóm này, kế hoạch của EC trong việc hỗ trợ các sản phẩm xanh là một hướng đi đúng đắn, nhưng phải được hỗ trợ bằng nguồn vốn từ ngân sách dài hạn tiếp theo của EU.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã công bố kế hoạch tăng trưởng xanh của châu Âu mang tên “Thỏa thuận Xanh”.
Bà Ursula von der Leyen cam kết huy động 1 nghìn tỷ euro tiền đầu tư trong thập kỷ tới để giúp các công ty EU cắt giảm khí thải, thúc đẩy việc làm và đạt được lợi thế dẫn đầu trong các công nghệ mới.
Chiến lược công nghiệp cùng với các chiến lược khác của kế hoạch tăng trưởng “Thỏa thuận Xanh” của EC, bao gồm cả kế hoạch áp đặt các biện pháp biên giới đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác, nhằm giúp các công ty EU duy trì khả năng cạnh tranh trong khi đầu tư vào việc cắt giảm khí thải.
Brussels cũng sẽ công bố kế hoạch kinh tế tuần hoàn của EU để hướng dẫn các nhà sản xuất tạo ra các sản phẩm bền vững lâu dài có thể sửa chữa và tái chế.
Ngọc Diệp (Theo https://www.reuters.com/article/us-climate-change-eu-industry/eu-plans-support-for-heavy-industrys-climate-challenge-idUSKBN20X21V)