Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:02 GMT+7

Tin hoạt động

Kinh tế tuần hoàn: Nền tảng của phát triển bền vững

30/03/2020

Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp mới chú trọng đến năng xuất sản lượng theo tư duy tuyến tính, chưa quyết tâm đúng mức đến phát tiển bền vững, thân thiện môi trường, chưa quan tâm đến lượng dư thừa của quá trình sản xuất, chưa quan tâm nhiều đến phân bón hữu cơ để bồi dưỡng, tăng kết cấu đất, bảo vệ đa dạng sinh học vv... hệ quả là gây lãng phí các phế phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi, thậm chí đốt bỏ rơm rạ gây ô nhiễm môi trường.
Gần đây, khái niệm và thực hành mô hình kinh tế tuần hoàn đã bắt đầu được đề cập và quan tâm, mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín và hầu hết các chất thải, phế phụ phẩm được quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác thông qua việc áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, các tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng với những ứng dụng rất linh hoạt trong quá trình tổ chức sản xuất và kinh doanh.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu, với đề án ổn định lương thực thực phẩm và phát triển bền vững trở thành vấn đề toàn nhân loại. Từ đó kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp tuần hoàn đã trở thành một chủ đề nóng, được nhiều quốc gia quan tâm và thảo luận trên diện rộng.
Ảnh minh họa
1. Khái niệm kinh tế tuần hoàn và kinh tế một chiều ( hay còn gọi là kinh tế tuyến tính):
Nền kinh tế tuần hoàn là một hệ thống kinh tế chính xác, thông minh, sử dụng tái chế, quay vòng sản xuất, chế biến và sử dụng cái nguổn tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu và đi đến triệt tiêu các loại chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Nền kinh tế tuần hoàn còn được gọi là kinh tế không phế thải, tất cả các “chất thải”, sản phẩm phụ, phế phụ phẩm, thiết bị, công cụ, vật liệu, hóa chất... đã sử dụng còn trong quá trình sản xuất này sẽ trở thành “nguyên liệu” đầu vào cho quá trình sản xuất khác và quay vòng một cách liên tục và cuối cùng là không để lại chất thải.
Kinh tế một chiều (hay còn gọi là kinh tế tuyến tính) chỉ quan tâm đến khai thác tài nguyên, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào quá trình tổ chức sản xuất theo tuyến tính  cho mỗi mục tiêu cốt lõi là năng suất sản phẩm và vứt bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ làm ô nhiễm môi trường, mất cân bằng hệ sinh thái.
Nền kinh tế tuyến tính vận hành như một dòng chảy, biến các nguồn tài nguyên thiên nhiên thành các vật liệu và sản phẩm cơ bản rồi bán ra thông qua một loạt những bước,  tạo thêm giá trị gia tăng theo xu hướng bán được càng nhiều càng tốt, dẫn đến sự hoang phí khi sử dụng các nguồn tài nguyên trong các thị trường đã bão hòa.
2. Các nguyên tắc cơ bản trong nền kinh tế tuần hoàn.
2.1. Thiết kế tái sử dụng:
Rác thải sẽ không tồn tại nếu các thành phần sinh học và hóa học trong sản phẩm được thiết kế sao cho có thể đưa chúng vào tái sử dụng trong một chu trình mới, nói một cách khác có thể phân tách và tái sử dụng các thành phần này.
2.2. Khả năng linh động nhờ sự đa dạng:
Các hệ thống có sự kết nối nội bộ đa dạng thường có sức chống chịu cao và linh động trước những tác động bất ngờ từ ngoại cảnh. Trong nền kinh tế, để có được những linh động đó, cần phải có sự đa dạng vào các loại hình doanh nghiệp, mô hình kinh doanh và hệ thống sản suất. Đồng thời, các mạng lưới kinh doanh cũng phải có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau cũng như với nhiều nhà cung cấp và khách hàng khác nhau. Các hệ sinh thái tự nhiên là những ví dụ minh họa sống động nhất cho các hệ thống sản xuất linh động như thế này.
2.3. Sử dụng năng lượng từ các nguồn vô tận:
Để giảm tải những tổn thất về sản phẩm (Bằng cách tái chế nâng cấp) cần phải sử dụng thêm năng lượng. Có hai nguồn năng lượng chính luôn sẵn có, đó là: Năng lượng tái chế và sức lao động. Chỉ có thể đáp ứng được các điều kiện mỗi nền kinh tế tuần hoàn bằng cách sử dụng nguồn năng lượng tái chế.
2.4. Tư duy hệ thống:
Tư duy hệ thống tập trung vào các hệ thống phi tuyến tính, đặc biệt là vòng lặp phản hồi ( là mỗi cấu trúc hệ thống trong đó đầu ra ở mỗi mắt xích trong cấu trúc này sẽ có tác động lên đầu vào tại chính mắt xích đó). Trong các hệ thống này, sự kết hợp giữa các yếu tố môi trường không chắc chắn với sự phản hồi trước các nhân tố đó thường mang lại những kết quả khó dự đoán trước. Tuy nhiên, để tìm hiểu cách tối ưu hóa các hệ thống này cần phải cân nhắc đến những mối quan hệ giữa chúng và đường đi của các nguyên liệu trong chu trình sản xuất.
Để làm được điều này cần phải có sự định hướng lâu dài, tại nhiều cấp độ và quy mô khác nhau của nền kinh tế tuần hoàn. Các hệ thống, trong đó tác động lẫn nhau, từ  đó xuất hiện những mối quan hệ phụ thuộc và tạo nên những vòng lặp luân hồi giúp củng cố cho tính linh động của nền kinh tế tuần hoàn.
2.5 Nền tảng sinh học:
Càng ngày càng có nhiều hàng hóa tiêu dùng được tạo nên từ các nguyên liệu sinh học và quá trình sử dụng diễn ra dựa trên quy tắc “ phân tầng” các thành phần sinh học này được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau trước khi quay trở về cái chu trình sinh quyển.
Trong thời gian qua Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình đã vận dụng sáng tạo các nguyên tắc cơ bản trong nền kinh tế tuần hoàn để tổ chức thực hiện khá thành công trong các khu liên hợp, tự thu gom phế liệu, phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn gia súc. Tổ chức chăn nuôi tập trung và chăn nuôi liên kết, sản xuất đệm sinh học làm nền chuồng trại để sử lý chế thải trong chăn nuôi. Xủ lý triệt để các ảnh hưởng môi trường trong cả quá trình tổ chức sản xuất và kinh doanh, góp phần rất quan trọng trong việc làm cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.
Với quy mô chăn nuôi tập trung 5.000 đàn trâu, bò trong mỗi khu trại. Hàng năm mỗi khu trang trại, khu liên hợp sản xuất đã sử dụng được 30.000 tấn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi và sản xuất 25.000 tấn phân bón hữu cơ vi sinh.
Để có những kết quả trên, chúng tôi đã có nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp trong quá trình tiếp cận và giải quyết các vấn đề thường phát sinh trong khu tổ chức thực hiện, đặc biệt là bài toán chia sẻ lợi ích cho các thành phần và đối tượng liên quan được quan tâm đến mức tốt nhất có thể. Các thành phần và đối tượng liên quan trong chuỗi dễ nhận diện được các quyền lợi và trách nhiệm của mình trong quá trình tham gia.
3. Kiến nghị các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, chúng tôi thấy cần phải có hành lang pháp lý rõ  ràng cho hình thành phát triển kinh tế tuần hoàn. Doanh nghiệp là động lực trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, các tổ chức và người dân tham gia thực hiện. Vai trò kiến tạo của Nhà nước thể hiện trong việc tạo ra môi trường kinh tế tuần hoàn phát triển.
Ngoài ra chúng tôi cũng đề nghị cần có khuôn khổ pháp lý cho “ Đổi mới – Sáng tạo” sẽ không còn là các cuộc vận động mà là “ Đổi mới – Sáng tạo” cần có địa vị pháp lý rõ ràng, để hỗ trợ phát triển được nền kinh tế tuần hoàn thì “ Đổi mới – Sáng tạo”  giữ vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi các thiết chế cứng nhắc, lỗi thời. Nếu thiếu khuôn khổ pháp lý, các thiết chế lỗi thời sẽ là rào cản của các hoạt động Đổi mới - Sáng tạo.
Việt Nam có thể cân nhắc đưa cả hai cách tiếp cận thực hiện kinh tế tuần hoàn của quốc tế vào lộ trình của mình. Đó là cách tiếp cận theo nhóm ngành, sản phẩm, nguyên liệu vật liệu và tiếp cận các quy mô kinh tế, thành lập các không gian địa lý.
Bên cạnh đó lộ trình cũng phải tiếp thu thực hiện các nội dung khác của kinh tế tuần hoàn, như : khuyến khích năng lượng tái tạo, quay vòng tuần hoàn trả lại hữu cơ cho đất, chống đốt rơm rạ, đốt nương rẫy, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm than thiện với môi trường, hoàn thiện và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam .
Chúng tôi đề nghị cần đưa chủ trương thúc đẩy kinh tế tuần hoàn vào Nghị quyết của Đảng và đề nghị Quốc hội ban hành luật thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Quốc hội và Chính phủ có chính sách và khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong cộng đồng dân cư và doanh nghiệp. Xác định rõ ràng trong việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn thì doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm làm hạt nhân nòng cốt.
Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, do đó: Thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn chính là việc chuyển đổi phù hợp mà Việt Nam đang hướng tới vì mục tiêu phát triển bền vững.
Hà Văn Thắng
Chủ tịch HĐQT Công ty T&T 159 Hòa Bình