Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 18:30 GMT+7

Tin hoạt động

Kinh tế tuần hoàn - Chìa khóa để phát triển bền vững toàn diện

26/03/2020

Chuyển dịch từ Kinh tế tuyến tính sang Kinh tế tuần hoàn là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường. Đó cũng là cách để không còn phải đánh đổi giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, thực hiện được đồng thời nhiều mục tiêu của phát triển bền vững.
Manh nha từ các mô hình
Theo các nhà khoa học thuộc Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, xem xét từ bản chất, nội hàm, quá trình hình thành và phát triển để khái quát hóa mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam có thể nhận thấy, hiện nay, chúng ta chưa có mô hình kinh tế tuần hoàn, tuy vậy, những manh nha hình thành và nhìn nhận từ động lực kinh tế từ trước đến nay, những mô hình gần với kinh tế tuần hoàn đã có khá sớm.
Đó là mô hình vườn - ao - chuồng (VAC), vườn - rừng - ao - chuồng (VRAC) từ những thập niên 70 - 80 của thế kỷ XX, mô hình kinh tế sinh thái từ những thập niên 90 - 2000. Những mô hình này là sự kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi theo dạng chuỗi thức ăn, sau này đến sau năm 2000 bổ sung thêm thu hồi khí từ chất thải vật nuôi dạng hầm Biogas.
Việt Nam mới manh nha có nền kinh tế tuần hoàn
Đối với ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có các làng nghề truyền thống ở Việt Nam sử dụng các phế liệu, phụ phẩm , chất thải từ chất thải sản xuất công nghiệp như: Sản xuất thép tái chế - Đa Hội (Bắc Ninh), sản xuất giấy tái chế Dương Ổ - Bắc Ninh, sản xuất đồ nhựa, ni lông tái chế Minh Khai (Hưng Yên), Làng nghề đúc đồng từ phế liệu đồng ở Ý Yên (Nam Định), thủy tinh tái chế … xuất hiện sớm, đến nay vẫn tồn tại và phát triển.
Sản xuất sạch hơn đã được triển khai trong các doanh nghiệp và đem lại hiệu quả nhất định đối với các doanh nghiệp có công nghệ cũ sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng và xả thải trực tiếp ra môi trường. Mô hình này được tiếp cận dựa trên cơ sở sinh lời của doanh nghiệp nhờ cải tiến các công đoạn sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và thu hồi chất thải, chính vì vậy đã huy động được sự tham gia của các doanh nghiệp trên nguyên tắc tự nguyện là chính. Điển hình như Công ty Sàng tuyển than Cửa Ông, Quảng Ninh thay vì nước rửa than trước đây thải ra biển Bái Tử Long, sau đó, chuyển sang thu hồi nước, lắng đọng cặn dạng than bùn, sử dụng lại nước rửa than, hạch toàn kinh tế tăng lợi nhuận cho công ty và không xả thải ra môi trường.
Bên cạnh đó, sự ra đời của của khu công nghiệp sinh thái ở Hải Phòng, Ninh bình và một số địa phương khác từ chỉ đạo của Chính phủ đã có sự đánh giá tổng kết của UNIDO là mô hình gần với kinh tế tuần hoàn mang lại hiệu quả kinh tế điển hình ở Việt Nam.
Gần đây, một số sáng kiến tái chế đã được các doanh nghiệp áp dụng, như sáng kiến Không xả thải ra thiên nhiên (Zero Waste to Nature) do Phòng Thường mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI khởi xướng; sáng kiến tái chế nắp bia Tiger thành sắt làm cầu tại Tiền Giang (giúp thu hồi sắt); ống hút làm từ cỏ và gạo thay thế cho ống hút nhựa (giúp giảm phát thải nhựa), mô hình tái chế rác thải nhựa làm vật liệu xây dựng của công ty Upp!; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản (vỏ tôm, đầu tôm,…) tạo ra Chitosan và SSE, đặc biệt là sự xuất hiện của Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (Pro Việt Nam) gồm 9 công ty: Coca-Cola Việt Nam, Friesland Campina, La Vie, Nestlé Việt Nam, NutiFood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak Việt Nam, TH Group và URC Việt Nam,…
Cần xây dựng lộ trình thực hiện
Để chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần xây dựng lộ trình để thực hiện. Các lộ trình này thường dài từ 15 - 20 năm, nêu rõ các mục tiêu và các quy định cụ thể cho từng giai đoạn nhỏ.
Theo đó, Việt Nam có thể cân nhắc đưa cả hai cách tiếp cận thực hiện kinh tế tuần hoàn của quốc tế vào lộ trình của mình. Đó là cách tiếp cận theo nhóm ngành, sản phẩm, nguyên liệu hoặc vật liệu, nghĩa là tập trung tuần hoàn một số vật liệu nhất định, khuyến khích các sáng kiến và điển hình tốt, phù hợp với đặc điểm của lĩnh vực đó, từ đó nhân rộng. Ví dụ, xây dựng lộ trình “không rác thải nhựa dùng một lần” và “không rác thải” tại Malaysia, Canada, cách tiếp cận dựa vào thị trường tại Mỹ, Úc,…
Cũng có thể tiếp cận theo quy mô kinh tế, tức là thành lập các không gian địa lý như khu công nghiệp, các thành phố kiểu mẫu, những hoạt động kinh doanh và sản xuất trong các không gian này được thiết kế sao cho kết nối với nhau thành các vòng tuần hoàn, sau đó nhân rộng các mô hình thành công, như Đan Mạch, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Canada,… đã áp dụng.
Đặc biệt, các lộ trình kinh tế tuần hoàn cần xác định rõ doanh nghiệp chính là động lực trung tâm thực hiện. Theo đó, cần tạo cơ chế để hình thành động lực thị trường dựa trên các tiêu chí của hiệu quả đầu tư, khuyên khích doanh nghiệp, khu vực tư nhân đầu tư mạnh mẽ thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Để phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, theo các chuyên gia, cần sự nỗ lực của mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt doanh nghiệp là động lực trung tâm, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt và cộng đồng tham gia thực hiện để thay đổi cả về nhận thức và hành vi của toàn xã hội.
Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong năm 2019, riêng nhập khẩu 43,5 triệu tấn than đá đã tiêu tốn gần 3,75 tỷ USD, tăng 190% về lượng và tăng 148% về trị giá. Trong khi đó, nhập khẩu dầu thô cũng không kém cạnh, với 7,64 triệu tấn, trị giá 3,615 tỷ USD, tăng 148% về lượng và tăng 131,6% về trị giá so với 2018. Đối với xăng dầu, Việt Nam cũng nhập lên tới 5,930 tỷ USD, trong khi khí đốt hóa lỏng trên 900 triệu USD. Tổng chi ngoại tệ nhập khẩu của nhóm hàng này lên tới 14,2 tỷ USD. Năm 2020, tiếp tục là năm dự báo chi nhập khẩu tài nguyên tiếp tục gia tăng, điển hình là than khi nhu cầu than cho điện năm 2020 gần 50 triệu tấn và có thể tăng lên gấp đôi vào 2030.
Yên Thi