Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 17:15 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Tạo cơ chế hợp tác hiệu quả để phát triển năng lượng bền vững

14/12/2019

Ngày 10/12, tại Hà Nội, Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) đã tổ chức Hội nghị Cấp cao lần thứ 3 và Diễn đàn các bên liên quan lần thứ nhất, quy tụ sự tham gia của hơn 200 đại biểu cấp cao và các đại diện đến từ khu vực tư nhân, các tổ chức đối tác phát triển, công ty tư nhân, viện nghiên cứu và xã hội dân sự.
Điểm nhấn của Hội nghị Cấp cao năm nay là việc Ban thư ký VEPG thay mặt Chủ tịch và các đồng Chủ tịch của 5 nhóm công tác kỹ thuật giới thiệu bản Báo cáo tiến độ năm 2019, tập trung phân tích tiến trình thực hiện 40 khuyến nghị chính sách của các Nhóm Công tác kỹ thuật VEPG. Những khuyến nghị này được trình bày và nhận được sự đồng thuận bởi Chủ tịch và đồng Chủ tịch của VEPG tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 năm 2018; trong đó hướng đến quá trình xây dựng và phát triển của các chính sách trọng tâm và các hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam trong 5 lĩnh vực ưu tiên chính: năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, cải cách ngành năng lượng, tiếp cận năng lượng và dữ liệu - thống kê năng lượng.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho hay: “Các nhóm đối tác đã có sự hỗ trợ cả về tài chính và kĩ thuật, chúng tôi cũng mong muốn đóng góp để có sự thành công hơn nữa cho ngành năng lượng tại Vệt Nam. Để vừa đảm bảo thách thức tăng trường và giảm phát thải, Việt Nam cần tiếp tục cải cách chính sách một cách mạnh mẽ và tiếp cận toàn hệ thống một cách cân bằng hơn...”
Đánh giá cao hiệu quả hoạt động của các nhóm công tác kỹ thuật trong năm qua, đồng thời nhấn mạnh những thách thức dai dẳng trong ngành năng lượng mà các bên cần nhận thức và cố gắng để giải quyết trong những năm tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh, những cơ chế hợp tác đa phương như VEPG là rất có ý nghĩa đối với sự phát triển ngành năng lượng và nền kinh tế quốc gia của Việt Nam. Ngành năng lượng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế cũng như phúc lợi của người dân Việt Nam. Điều quan trọng nhất hiện nay là phải có chiến lược mạnh mẽ và có tầm nhìn xa để hỗ trợ quá trình chuyển đổi Việt Nam sang nền kinh tế hiện đại, xanh và toàn diện.
Năm 2019, Việt Nam đã chứng kiến những khoản đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió với hơn 4,5GW công suất điện mặt trời được kết nối vào lưới điện quốc gia, và trong thời gian tới sẽ có nhiều dự án năng lượng tái tạo khác. Trước hết là điện gió, điện kinh khối… được phát triển. Quá trình tái cấu trúc ngành điện và ngành năng lượng đang được Chính phủ Việt Nam chỉ đạo quyết liệt cùng với việc đẩy mạnh tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, trước mắt và cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước các đơn vị phát điện, tiếp tục xây dựng thị trường điện theo lộ trình đã được phê duyệt, hoàn thiện thị trường phát điện cạnh tranh, triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh, chuẩn bị chu đáo cho giai đoạn thị trường bán lẻ cạnh tranh sau năm 2022.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiếp tục thực hiện Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 3. Thúc đẩy ngành năng lượng phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu phát triển của nền kinh tế và đời sống dân sinh, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tiếp tục tạo các điều kiện thuận lợi nhất nhằm thu hút vốn đầu tư của toàn xã hôi, của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào ngành năng lượng, khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là định hướng nhất quán, là chiến lược của Chính phủ Việt Nam với ngành năng lượng.
Tuy nhiên, các tính toán của Bộ Công Thương đều cho thấy nhu cầu điện sẽ tiếp tục tăng trưởng cao cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế của Việt Nam trong những năm sắp tới. Đáp ứng tốc độ tăng trưởng nhu cầu cao như vậy sẽ là một thách thức to lớn.
Vì vậy, xây dựng chiến lược phát triển ngành năng lượng phù hợp, khả thi, bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam đang trở thành nhiệm vụ có tính quan trọng bậc nhất. Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, song hành với những hỗ trợ tài chính rất đáng kể và có ý nghĩa của các đối tác quốc tế, Việt Nam xác định tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc nghiên cứu cũng như hợp tác phát triển khoa học công nghệ - kỹ thuật và nâng cao nhận thức cộng đồng để cải cách ngành năng lượng theo cả chiều rộng và chiều sâu.
Ông Pier Giorgio Aliberti - Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam - cho rằng: “Việt Nam hiện đang ở một điểm giao quan trọng và chúng tôi đang đối mặt với cơ hội có một không hai để thay đổi ngành năng lượng tại quốc gia này. Việt Nam - một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu - có cơ hội đặt ra hướng đi cho ngành năng lượng bền vững hơn, dựa trên năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả để mang lại lợi ích cho người dân và nền kinh tế. Việt Nam có thể là tham vọng khi đặt ra những mục tiêu mới này và yên tâm về sự hỗ trợ và giúp đỡ của Liên minh châu Âu và cộng đồng quốc tế”.
Năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN. Hội nghị Bộ trưởng năng lượng ASEAN lần thứ 38 cũng sẽ được tổ chức tại Việt Nam năm tới. Rất nhiều đối tác phát triển đang hợp tác tích cực với Việt Nam cũng đang là đối tác quan trọng của khối ASEAN. “Chúng tôi mong sự hiện diện và đối thoại tích cực của các đối tác phát triển tại các Hội nghị cấp cao ASEAN năm 2020 nói chung và Hội nghị Bộ trưởng năng lượng ASEAN nói riêng, vì một đất nước Việt Nam phát triển bền vững và một Cộng đồng ASEAN thịnh vượng, đóng góp tích cực cho cộng đồng thế giới. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo sẽ tăng 5% và nhu cầu năng lượng tăng bình quân 4,7%/năm đến năm 2025, đáp ứng nhu cầu năng lượng và phát triển năng lượng bền vững cũng được đánh giá là vấn đề quan trọng số 1 của Cộng đồng kinh tế ASEAN trong những năm sắp tới” – Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Theo Báo Công Thương