Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 17:14 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Gia tăng giá trị cho các sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội

11/11/2019

Từ đầu năm 2019 đến nay, đã có 31 doanh nghiệp với 40 sản phẩm đăng ký tham gia xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội năm 2019. Dự kiến, doanh thu đạt được của 31 doanh nghiệp có sản phẩm tham gia xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2019 đạt 6.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.600 tỷ đồng.
Năm 2019 là năm thứ hai UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai chương trình xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố với mục tiêu lựa chọn 60-70 sản phẩm của 35-40 doanh nghiệp để UBND Thành phố công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2019.
Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực được UBND thành phố Hà Nội triển khai xây dựng với mục tiêu phát triển có chọn lọc các ngành hàng, nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, các công đoạn và các chi tiết sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường. Chú trọng các nhóm sản phẩm chủ lực và sản phẩm có thương hiệu uy tín thuộc các ngành: Cơ khí, Điện - điện tử, Hóa nhựa, Dệt may - da giầy, Chế biến lương thực - thực phẩm.
Theo ông Đàm Tiến Thắng – Phó Giám đốc Sở Công Thương  Hà Nội, sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội, được sự quan tâm của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và sự hưởng ứng tham gia tích cực của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp trên địa bàn và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Năm 2018, Thành phố đã công nhận 61 sản phẩm công nghiệp chủ lực và Top 10 sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội. Tổng doanh thu của 61 sản phẩm đạt 40.000 tỷ đồng (tăng 28,4% so với năm trước); chiếm 32,5% giá trị sản xuất ngành công nghiệp Thành phố; chiếm 7,7% tổng sản phẩm trên địa bàn; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10.000 tỷ đồng (tăng 74% so với năm trước). Trong đó, có 15 doanh nghiệp dẫn đầu ngành công nghiệp Hà Nội với doanh thu trên nghìn tỷ đồng/năm. Tiêu biểu, có doanh nghiệp đạt doanh thu trên 4.000 tỷ đồng như: Công ty cổ phần Vicostone; Công ty TNHH Panasonic Việt Nam...
Từ đầu năm 2019 đến nay, đã có 31 doanh nghiệp với 40 sản phẩm đăng ký tham gia xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội năm 2019. Dự kiến, doanh thu đạt được của 31 doanh nghiệp có sản phẩm tham gia xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2019 đạt 6.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.600 tỷ đồng.
Như vậy, trong 2 năm 2018 – 2019, dự kiến sẽ có 100 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố, doanh thu các sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố đạt 46 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 42,9% tổng doanh thu sản xuất công nghiệp và giá trị xuất khẩu đạt 11.610 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố đang bị đánh đồng vào sản phẩm chất lượng thấp gây nhiều hệ lụy phức tạp cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Bên cạnh đó, những vấn đề về thuế, đất đai, vốn, mặt bằng sản xuất, thủ tục hành chính… là những khó khăn mà doanh nghiệp sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn Thủ đô đang phải đối mặt.
Trong khi đó, dù mang danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực nhưng việc chế tạo hầu hết sản phẩm vẫn ở dạng gia công đơn giản, phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Năng suất lao động thấp, trình độ nhân lực cũng như năng lực quản lý của doanh nghiệp chưa cao, dẫn tới tình trạng sản phẩm nội không đủ sức cạnh tranh ở những gói thầu, dự án có yêu cầu kỹ thuật cao; khó “chen chân” vào chuỗi sản xuất của những thương hiệu, tập đoàn lớn của nước ngoài.
Đồng thời, các sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội cũng chưa tận dụng tốt cơ hội trong hội nhập, thu hút chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chuyên sâu. Ngay bản thân các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực chưa liên kết được với nhau thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ để đạt hiệu quả.
Vì vậy, theo nhiều ý kiến, Thành phố cần xác định rõ những sản phẩm, thế mạnh nên ưu tiên tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải; không nên lựa chọn các sản phẩm cũ, dù chiếm tỷ trọng cao nhưng không phù hợp với xu thế phát triển.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, Thành phố đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ như: Xúc tiến đầu tư, thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp; Cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh; Nâng cao năng lực, sức cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, áp dụng kế hoạch sản xuất sạch hơn…
Việc công nhận và tôn vinh các sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thành phố góp phần tăng giá trị thương hiệu, qua đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì ổn định và phát triển bền vững.
Ngày 26/01/2018 UBND Thành phố ban hành Quyết định số 496/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng tới năm 2025” với mục đích: Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp; Cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh; Nâng cao năng lực, sức cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực.
Định hướng xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực theo đề án là phát triển các sản phẩm công nghệ cao phù hợp với ngành nghề lựa chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực; mở rộng đối tượng xét chọn đến các sản phẩm có doanh thu cao trên 100 tỷ đồng/năm và có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn về tăng trưởng, xuất khẩu, trình độ sản xuất thông qua hệ thống tiêu chí, phương pháp đánh giá xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thành phố; ưu tiên, khuyến khích sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất thủ công mỹ nghệ hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp (Start - Up) tham gia xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Nguồn: Kinh tế đô thị