Đó là nhận định chung của các đại biểu tại Hội thảo giới thiệu Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” diễn ra tại Đà Nẵng vào sáng 9/6. Hội thảo do, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức Phát triển Công nghiệp LHQ (UNIDO), Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) phối hợp tổ chức.
Tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Trần Duy Đông cho biết, trong gần 25 năm qua, hệ thống các KCN trên toàn quốc đã có đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất công nghiệp và thu hút đầu tư trong nước cũng như nước ngoài. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, quá trình phát triển các KCN với tốc độ nhanh đang gây ra những tác động xấu đối với môi trường.
Trong nỗ lực sử dụng năng lượng hiệu quả và giảm ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất công nghiệp, năm 2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp LHQ (UNIDO) xây dựng Dự án "Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng đến mô hình KCN bền vững tại Việt Nam" với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO). Vào tháng 8/2014, Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt. Hiện nay, dự án thí điểm tại 3 KCN trên cả nước với 40 doanh nghiệp đã tham gia dự án.
Theo Vụ trưởng Đông: “Việc chuyển đổi các KCN thông thường thành KCN sinh thái được thực hiện trước hết ở phạm vi doanh nghiệp, thông qua hoạt động đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, giảm phát thải khí nhà kính, chất thải nguy hại, các chất gây ô nhiễm nước và hóa chất. Ở quy mô KCN, các doanh nghiệp cùng khu sẽ có mối quan hệ tương hỗ về sử dụng hiệu quả tài nguyên và hợp tác với cộng đồng địa phương để chuyển đổi thành KCN sinh thái” – Ông Đông nói.
Bà Trần Thanh Phương, đại diện Quản lý dự án KCN sinh thái quốc gia cho biết, hiện nay, do sử dụng những công nghệ lạc hậu, nhiều doanh nghiệp đã và đang lãng phí rất nhiều tiền do việc tiêu thụ quá nhiều nhiên liệu, tạo ra lượng lớn chất thải, gây ảnh hưởng đến môi trường. Theo bà Phương: “Doanh nghiệp cần phải nhìn lại tất cả quy trình sản xuất và tìm ra được trong đó khâu nào có thể cắt giảm lại được việc tiêu thụ nhiên liệu đầu vào, sau đó tìm cách sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng ấy. Nếu thực hiện được điều này, doanh nghiệp sẽ giảm được rất nhiều chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.”
Tiến sĩ Nguyễn Đinh Chúc cho biết, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Bền vững Vùng cho biết, khi tham gia dự án chuyển đổi công nghệ sang mô hình KCN sinh thái, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ các thủ tục tiếp cận những nguồn vốn có lãi suất ưu đãi cũng như hỗ trợ tư vấn đổi mới công nghệ từ các tổ chức tín dụng nhằm đạt được mục tiêu tăng doanh thu gắn với phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập hiệu quả. Các nguồn vốn ưu đãi đó sẽ do Quỹ Uỷ thác tính dụng xanh (GCTF), Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (VEDP), Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia (NATIF), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) hỗ trợ.
“Những cơ chế này sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản và những khó khăn cơ bản mà các doanh nghiệp trong nước thường gặp phải như tiếp cận tín dụng, đặc biệt là tín dụng cho các khoản vay vào công nghệ do hạn chế trong năng lực lập hồ sơ kỹ thuật và tài chính. Đây là những lợi thế nổi trội mà các doanh nghiệp tham giam Dự án có được khi tiếp cận các nguồn tài chính ưu đãi từ Dự án”, ông Chúc cho biết.