Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 23/11/2024 | 01:00 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Phát triển năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường tại Việt Nam

30/11/2018

Đó là chủ đề của hội thảo quốc tế do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) phối hợp với Ban kinh tế Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức ngày 29/11/2018 vừa qua tại Hà Nội.
Tham dự hội thảo có đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện Bộ Công Thương, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các doanh nghiệp trong ngành năng lượng.
Hội thảo được tổ chức nhằm đưa ra những mục tiêu chiến lược; tầm nhìn, giải pháp chiến lược để ngành năng lượng phấn đấu đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 không những đảm bảo đủ năng lượng bền vững mà còn có năng lượng dự phòng và giải quyết các vấn đề môi trường ngày càng tốt hơn.
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch VEA cho biết, với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao, ngành năng lượng đòi hỏi phải đi trước một bước và phát triển bền vững. Tới năm 2020, cả nước cần khoảng 60.000 MW công suất điện, năm 2030 là 129.000 MW. Như vậy, Việt Nam cần có thêm khoảng 6.000 - 7.000 MW mỗi năm.
 “Do vậy, ngành năng lượng phải đáp ứng được các mục tiêu chiến lược đề ra tới năm 2030 và tầm nhìn năm 2050, không những đảm bảo năng lượng bền vững mà còn có năng lượng dự phòng” - Chủ tịch VEA nhấn mạnh.
Tuy nhiên, việc đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Theo ông Lê Văn Duẩn - Giám đốc công ty CP tư vấn đầu tư mỏ và Công nghiệp - Vinacomin (đại diện TKV), nhu cầu than trong nước tăng cao, tới năm 2035 đạt mức 150 triệu tấn/năm, trong khi đó, sản xuất trong nước thời gian tới dự kiến chỉ đạt từ 42 - 50 triệu tấn/năm. Đặc biệt là nhiệt điện, theo tính toán, nhu cầu than cho phát điện năm 2020 là 60 triệu tấn, năm 2035 lên tới 127 triệu tấn. Thực tế hiện nay, ngành Than mới chỉ sản xuất đạt khoảng 38 triệu tấn/năm. Do đó, việc nhập khẩu than là tất yếu.
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Tài Anh - Phó tổng giám đốc EVN cho biết, thực tế công tác đầu tư xây dựng các dự án điện thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nhiều dự án bị chậm tiến độ so với dự kiến tại Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), thậm chí một số dự án chậm tiến độ trên 5 năm.
“Vì vậy, việc đảm bảo cung ứng điện đang đặt EVN trước nhiều khó khăn, thách thức” - Ông Nguyễn Tài Anh khẳng định.
Ông Nguyễn Tài Anh - Phó tổng giám đốc EVN
Ông Nguyễn Tài Anh cũng nêu ra một số rủi ro mà EVN đã, đang và sẽ gặp phải như: Các nguồn điện đã được khởi công xây dựng để đưa vào vận hành trong 5 năm tới rất thấp so với yêu cầu tại Quy hoạch điện VII (điều chỉnh); nhiều dự án nguồn điện, nhất là các dự án nhiệt điện tại miền Nam tiềm ẩn rủi ro và có thể sẽ tiếp tục bị chậm tiến độ so với đánh giá tại thời điểm hiện nay,...
Trong khi đó, với ngành dầu khí, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn - Tổng giám đốc PVN cho biết giai đoạn từ năm 2015 đến nay, PVN đã gặp phải những khó khăn chưa từng thấy. Bên cạnh đó, rất nhiều khó khăn do những cơ chế, chính sách, luật pháp chưa phù hợp, hoặc đã lạc hậu với sự phát triển của PVN trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng…
Tại hội thảo, các đại biểu còn được lắng nghe nhiều tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học, doanh nghiệp. Từ kết quả của hội thảo, VEA sẽ có văn bản báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành để xem xét giúp đỡ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn; đặc biệt về cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho ngành năng lượng phát triển đạt được những mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 một cách bền vững.
Văn phòng SXSH và SXTDBV tổng hợp