Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:38 GMT+7

Tin hoạt động

Hệ thống chính sách khuyến công đối với miền núi, dân tộc thiểu số

08/04/2016

Kết quả hoạt động khuyến công

Năm 2014, Chương trình khuyến công quốc gia đã hỗ trợ đối với miền núi, dân tộc thiểu số là 20.282,48 triệu đồng với các hoạt động: Đào tạo nghề cho 3.005 lao động; xây dựng 25 mô hình trình diễn kỹ thuật và hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị cho 28 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT); hỗ trợ chi phí thuê 1.050 gian hàng cho các cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm trong nước; hỗ trợ tổ chức 01 hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu cấp khu vực; hỗ trợ 08 cơ sở CNNT xây dựng và đăng ký thương hiệu; hỗ trợ thành lập 65 doanh nghiệp CNNT; hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng 01 cụm công nghiệp (CCN).

Triển khai thực hiện hoạt động khuyến công đối với miền núi, dân tộc thiểu số đã giúp các cơ sở CNNT xác định hướng đầu tư đúng, có hiệu quả, nâng cao được năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường; giúp các cơ sở CNNT phát triển bền vững và từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó đã giúp cho các cơ sở CNNT tháo gỡ khó khăn, giải quyết được đầu ra của sản phẩm, giúp cơ sở tiêu thụ được sản phẩm, giảm thiểu hàng tồn kho thông qua các chương trình chắp nối cung cầu, hội chợ, triển lãm.

Tuy nhiên, do đặc điểm tình hình miền núi địa bàn hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật nói chung yếu kém, dân cư thưa thớt, thói quen, tập quán, hủ tục còn lạc hậu, cổ hủ, chủ yếu sinh sống theo kiểu du canh, du cư… nên rất khó khăn trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở những khu vực này chủ yếu tập trung vào các ngành khai khoáng, các ngành sản xuất, chế biến liên quan đến tài nguyên, khoáng sản; công nghiệp chế biến và tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là gắn với vùng nguyên liệu về cơ bản còn manh mún, nhỏ lẻ, thủ công, thô sơ, đơn điệu, phân tán, hầu như chưa thực sự phát triển… Hỗ trợ phát triển thương mại khu vực này do đặc điểm khu vực về kinh tế - xã hội rất khó khăn, nên rất khó thực hiện quá trình xã hội hóa đầu tư phát triển chợ thương mại, cần sự hỗ trợ lớn của ngân sách Trung ương.

Định hướng phát triển


Xây dựng cơ chế, chính sách dân tộc nhằm hỗ trợ, phát triển vùng miền núi, vùng dân tộc hướng tới mục tiêu giải quyết, tạo việc làm cho người lao động vùng dân tộc, miền núi, từng bước thay đổi tư duy, tác phong của người dân nơi đây, gắn với sản xuất hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm. Nhà nước cần tập trung ưu tiên, đầu tư nguồn ngân sách để phát triển hạ tầng khu vực vùng dân tộc, miền núi về điện, đường, trường, trạm… trong hai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo, huy động, lồng ghép tối đa các chương trình xây dựng, phát triển nông thôn.

Sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các cơ chế, chính sách thực sự đặc thù nhằm thu hút, kêu gọi, khuyến khích, ưu tiên được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, dịch vụ, vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu… ở vùng dân tộc, miền núi, huyện nghèo; đặc biệt, có cơ chế trợ giá để doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm hàng hóa cho đồng bào dân tộc vùng chuyên canh, tạo điều kiện phát triển sản xuất một cách mạnh mẽ, bởi Nghị định số 210/2013/NĐ-CP chưa đủ sức hấp dẫn lôi cuốn, thu hút các doanh nghiệp đầu tư.

Tăng cường, thúc đẩy thực hiện việc hỗ trợ phát triển mạnh mẽ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ ở các khu vực này; tìm giải pháp khắc phục hoàn toàn tình trạng cá biệt có những vùng còn “trắng” về sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, trong đó có các vùng di dân, tái định cư các công trình thủy điện...

Tập trung đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các CCN hiện có, trong đó chú trọng việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải để nhanh chóng đưa các CCN vào hoạt động, phát huy hiệu quả. Thành lập mới một cách có chọn lọc các CCN, ưu tiên xây dựng và phát triển các CCN phục vụ nhu cầu di dời và mở rộng mặt bằng sản xuất để phát triển các ngành, sản phẩm mà địa phương có tiềm năng và lợi thế.

Tập trung đánh giá những kết quả, tồn tại các cơ chế, chính sách, quy định về quản lý CCN, trọng tâm là đánh giá Quy chế quản lý CCN ban hành kèm theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xây dựng, ban hành Nghị định về quản lý CCN để tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về CCN, đáp ứng nhu cầu thực tế mới phát triển.

Tiếp tục thực hiện, phát huy có hiệu quả Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn đến năm 2020 và Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/09/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động để động viên và huy động nguồn lực tham gia đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển dịch vụ thương mại ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động.

Trong xây dựng và giao kế hoạch thực hiện các đề án khuyến công (bao gồm cả khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương) cần ưu tiên thực hiện đối với vùng miền núi, dân tộc thiểu số.

Giai đoạn 2016-2020, Bộ Công Thương đề nghị Trung ương Đảng, Quốc Hội, Chính phủ cho phép hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN của địa phương; hỗ trợ vốn đối ứng dự án ODA cho các địa phương không điều tiết ngân sách hoặc tỉ lệ điều tiết dưới 50% (chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Thông báo số 90-TB/VPTW ngày 22/8/2014).