Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 18:19 GMT+7

Tin hoạt động

Khuyến công Tuyên Quang: Cần mở rộng chính sách để hoạt động

07/04/2016

Năm 2015, Tuyên Quang được phê duyệt trên 1,3 tỷ đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, thực hiện 02 đề án: Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch không nung và hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia Hội chợ Công nghiệp - Thương mại vùng Đông Bắc năm 2015.

Từ nguồn ngân sách của tỉnh, khuyến công Tuyên Quang cũng được hỗ trợ trên 170 triệu đồng kinh phí đợt 1 triển khai đề án ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất chè đen xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Chè Long Phú và đề án thông tin tuyên truyền về công tác khuyến công, xúc tiến thương mại…

Theo ghi nhận từ đối tượng thụ hưởng, các đề án hỗ trợ đã phát huy tốt hiệu quả, giúp doanh nghiệp (DN) mở rộng được sản xuất, tăng doanh thu lợi nhuận. Đặc biệt, các đề án đã góp phần tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động dân tộc thiểu số góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn Tỉnh.

Nói về điều này, ông Đỗ Văn Nam, Giám đốc Công ty CP Chè Long Phú chia sẻ: Từ nguồn vốn khuyến công địa phương  đợt 1 năm 2015, Công ty CP Chè Long Phú (thôn 9, xã Đội Cấn, TP. Tuyên Quang) đã được hỗ trợ 100 triệu đồng ứng dụng cụm máy móc thiết bị trong sản xuất chè xanh xuất khẩu. Nhờ sự góp sức này, việc đầu tư dây chuyền công suất 500 tấn chè búp tươi/năm của DN đã hoàn chỉnh. DN hiện có thể sản xuất đa dạng các nhóm sản phẩm từ chè như: Chè xanh bán thành phẩm, chè xanh xuất khẩu…

Đại diện Công ty TNHH Vĩnh An, thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Chiêm Hóa) cũng cho biết: Từ 350 triệu đồng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ, DN đã phối hợp xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch không nung. Mô hình có công suất 3,5 triệu viên gạch/năm. Việc đầu tư này sẽ giúp DN đáp ứng nhu cầu xây dựng bằng gạch không nung của người dân trên địa bàn huyện Chiêm Hóa và một số xã lân cận thuộc các huyện Hàm Yên, Yên Sơn, Na Hang. Mô hình cũng giúp đảm bảo thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng cho 15 lao động địa phương.

Theo bà Ứng Thu Huyền - Phó Giám đốc Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại Tuyên Quang: Tuyên Quang không lo thiếu vốn hỗ trợ cho các cơ sở CNNT do Quỹ khuyến công của tỉnh được bổ sung kinh phí hàng năm. Tuy nhiên, việc thiếu đối tượng thụ hưởng không còn là nguy cơ mà đã và đang xảy ra với khuyến công Tuyên Quang. “Riêng với ngành chế biến chè, khuyến công Tuyên Quang đã hỗ trợ hết từ hộ lớn đến nhỏ, có những cơ sở đã được hỗ trợ quay vòng lần 2, lần 3”, bà Huyền nói.

Cùng đó, sang năm 2016, sau 5 năm chuyển đổi từ thị xã lên thành phố các cơ sở trên địa bàn một số phường thuộc thành phố Tuyên Quang sẽ không được hưởng hỗ trợ từ chương trình khuyến công nữa. “Đối tượng thụ hưởng của khuyến công Tuyên Quang đã ít lại ngày một bị thu hẹp”, bà Huyền lo lắng.

Trước thực trạng trên, để có được đối tượng thụ hưởng và triển khai được nhiệm vụ, hai lần một năm cán bộ làm công tác khuyến công của Tuyên Quang phối hợp với phòng Kinh tế hạ tầng các huyện tổ chức rà soát tới từng xã, thôn nhằm tìm kiếm các cơ sở mới thành lập. Tuy nhiên, đây chưa phải là giải pháp lâu dài. Để có thể có giải pháp dài hơi, hiệu quả cho vấn đề này thì với khuyến công ở Tuyên Quang nói riêng, các tỉnh miền núi nói chung, chính sách khuyến công cần có cơ chế đặc thù, trong đó đặc biệt cần mở rộng hơn nữa địa bàn cũng như số lần hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng.