9 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2017. Trên địa bàn tỉnh có 25 khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh như: Sản xuất linh kiện điện tử, xe có động cơ, gạch ốp lát… tiếp tục có mức tăng trưởng khá cao.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng ấn tượng của ngành công nghiệp cũng mang đến “sức ép” cho môi trường của tỉnh Vĩnh Phúc. Trung bình mỗi ngày, tổng lượng nước thải các KCN thải ra môi trường là hơn 8.000 m3. Tổng lượng chất thải rắn công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay ước tính gần 190.000 tấn/năm.
Ảnh minh họa
Xác định tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm và yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng thực hiện tốt việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đưa dự án vào hoạt động.
Các ngành chức năng và các địa phương không ngừng đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đến các doanh nghiệp; hướng dẫn các doanh nghiệp có sử dụng hóa chất trên địa bàn thực hiện tốt quy định của Luật Hóa chất; khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất...
Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, các bộ, ngành, nhân dân địa phương về Dự án dệt nhuộm của Tập đoàn TAL và báo cáo Chính phủ không cho phép hoạt động dự án này vì yếu tố ảnh hưởng đến môi trường.
Đến nay, 6 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tiến hành lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động; 2 cụm công nghiệp được đầu hệ thống xử lý nước thải tập trung. Phần lớn các doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt, chủ động kiểm tra chất lượng nước thải trước khi xả thải ra môi trường, vệ sinh sạch sẽ các trục đường giao thông, trồng cây xanh trong khuôn viên khu công nghiệp…
Văn phòng SXSH và SXTDBV tổng hợp