Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 08/11/2024 | 02:47 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Hà Nội: Đến 2020 sẽ “xóa” hoàn toàn lò gạch thủ công

20/10/2018

Trong những năm qua, cùng với Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung, thành phố Hà Nội đã thực hiện xóa dần các lò gạch thủ công trên địa bàn. 
Theo lộ trình được UBND thành phố phê duyệt ngày 23/7/2018, chỉ còn 6/199 lò gạch nung (4 tại huyện Mỹ Đức và 2 tại huyện Quốc Oai) được phép tồn tại đến năm 2020; còn lại cần chấm dứt hoạt động trước ngày 31/12/2018. 
Đến năm 2020, Hà Nội kiên quyết xóa bỏ lò gạch thủ công, lạc hậu trên địa bàn thành phố.
Thống kê của Sở Xây dựng cho thấy, hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn có 199 lò gạch đất sét nung sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Trong khi nhiều địa phương đã “xóa sổ” hoàn toàn các lò gạch nung như Đông Anh, Thanh Oai, Thường Tín, Thạch Thất, Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm thì một số địa phương vẫn còn tồn tại nhiều lò gạch nung hoạt động như Sóc Sơn (60), Phúc Thọ (49), Quốc Oai (15), Ứng Hòa (12)...
Sóc Sơn là địa phương có số lượng lò gạch nung còn tồn tại lớn nhất trên địa bàn thành phố với 60 lò gạch nung hoạt động. Trong đó, có 19 lò không phù hợp quy hoạch, 31 lò không đúng quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường. Do đó, theo lộ trình được UBND thành phố đưa ra, 60 lò gạch này sẽ phải chấm dứt hoàn toàn hoạt động trong năm 2018, hạn “chót” là trước ngày 31/12/2018.
Trong khi đó, hoạt động của 49 lò gạch đất sét nung trên địa bàn của huyện Phúc Thọ không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm chết hoa màu, gây cản trở dòng chảy vào mùa mưa lũ, ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đối với 49 lò gạch đất sét nung trên địa bàn huyện này, theo lộ trình được UBND thành phố phê duyệt, tất cả sẽ phải dừng hoạt động trong năm 2018.
Để việc xóa bỏ các lò gạch thủ công theo đúng lộ trình, UBND thành phố Hà Nội giao UBND các quận, huyện căn cứ lộ trình, chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND cấp xã đôn đốc, kiểm tra; đối với các cơ sở chậm thực hiện, cố tình duy trì hoạt động thì lập hồ sơ xử lý vi phạm về môi trường theo quy định.
Văn phòng SXSH và SXTDBV tổng hợp