Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:32 GMT+7

Tin hoạt động

Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Anh Minh: Hưởng lợi từ khuyến công

29/03/2016

Theo ông Lò Văn Thiện - phụ trách Phòng Khuyến công (Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Điện Biên), Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Anh Minh (HTX) là một trong số cơ sở công nghiệp nông thôn lớn trên địa bàn thành phố, hoạt động trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. Sản phẩm chủ yếu của HTX là đồ mỹ nghệ cao cấp, như: Tượng, bàn ghế, lục bình, tranh gỗ… và rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

Để hỗ trợ HTX tăng năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường, trung tâm đã hỗ trợ cơ sở thực hiện Đề án “Ứng dụng máy móc, thiết bị sản xuất hàng lưu niệm”. Đề án có tổng kinh phí thực hiện trên 1,121 tỷ đồng, nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 100 triệu đồng, giúp doanh nghiệp đầu tư máy khắc gỗ CNC Becarve ZH-2425 (khắc CNC).

Nói về công dụng của thiết bị mới đầu tư, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ nhiệm HTX - cho biết: Máy khắc CNC là thiết bị khá hiện đại trong công nghệ chế tác mộc mỹ nghệ, thiết bị có 10 dao khắc, mỗi đầu dao sản xuất một sản phẩm. Họa tiết, hoa văn, kích thước của sản phẩm được lập trình trên máy vi tính, máy khắc CNC tự vận hành. Do được vận hành tự động, sản phẩm tạo ra có độ chính xác, đồng đều cao và có khả năng sản xuất hàng loạt.

Cùng với đó, máy khắc CNC cũng giúp HTX tăng đáng kể năng suất sản xuất. Ông Trần Văn Lĩnh chia sẻ thêm: Một bức tranh gỗ hoa cúc kích thước 40-60 sản xuất thủ công phải mất hàng tháng, dùng máy chỉ mất 1 ngày. Hiện máy khắc CNC cùng với một số thiết bị khác như máy chà, máy cắt… đang chiếm khoảng 50% công đoạn sản xuất của HTX.Với rất nhiều ưu điểm, máy khắc CNC đã giúp HTX trở thành một trong những cơ sở có tiếng trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt với việc thiết kế mẫu mã. Sản phẩm của HTX đã đạt nhiều giải thưởng lớn của tỉnh và khu vực. Đơn cử, sản phẩm “Cội nguồn” được mô phỏng theo truyện dân gian “Quả bầu mẹ” của dân tộc Thái đã đạt giải nhất trong cuộc thi thiết kế mẫu quà lưu niệm của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. Sản phẩm cũng được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu xuất sắc của tỉnh. Cùng với việc mạnh tay đầu tư cho công nghệ sản xuất, HTX cũng rất “chịu chi” nhằm thu hút lao động tay nghề cao. Ngoài 10 lao động làm việc tại xưởng với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng, HTX cũng thường xuyên mời nghệ nhân tại các làng mộc nổi tiếng như: Vạn Điểm, Sơn Đồng (Hà Nội); Đồng Kỵ (Bắc Ninh)… về làm việc. “Nghệ nhân thường không làm việc cố định tại HTX, chỉ tăng cường vào thời điểm cần sản xuất những sản phẩm tinh xảo, đặc thù hoặc tạo mẫu mới. Thu nhập của các nghệ nhân cũng thường rất cao, bình quân khoảng 20 triệu đồng/người/tháng”- ông Lĩnh cho biết.Tuy nhiên, ông Trần Văn Lĩnh cũng băn khoăn: 2 năm gần đây, tình hình tiêu thụ của HTX không còn mạnh như những năm trước. Do nguồn gỗ trong nước ngày càng khan hiếm, HTX phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu đã đẩy giá thành sản phẩm tăng cao. Để giữ ổn định giá thành, HTX dự kiến tiếp tục đầu tư áp dụng thêm công nghệ mới vào sản xuất nhằm tăng hơn nữa năng suất lao động, tiết giảm lao động và tiết kiệm nguyên liệu.

Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ nhiệm HTX Thủ công mỹ nghệ Anh Minh: HTX đang chờ thẩm định, phê duyệt hồ sơ đăng ký bản quyền sản phẩm “Cội nguồn”. Sau khi được cấp giấy chứng nhận, HTX sẽ đưa vào sản xuất hàng loạt sản phẩm này.