Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm qua khá cao, tuy nhiên đi đôi với tăng trưởng kinh tế là sử dụng tài nguyên chưa bền vững, chưa gắn với bảo vệ môi trường. Để chuyển đổi mô hình kinh tế nâu truyền thống sang mô hình tăng trưởng xanh, Việt Nam cần phải có các chính sách phù hợp.
Ảnh minh họa
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm công nghệ môi trường (Thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam), cho biết, tăng trưởng xanh thể hiện qua thực hiện tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nước, giảm chi phí nhân công, phí môi trường trong sản xuất, giảm phát thải và sử dụng nguyên liệu, vật liệu thân thiện với môi trường.
Đối với hoạt động sản xuất, vấn đề cần thiết trước mắt là nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng, hạn chế những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm môi trường và tạo điều kiện phát triển cho các ngành sản xuất xanh mới.
Thực tế cho thấy, doanh nghiệp trong nước hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội về bảo vệ môi trường, lựa chọn công nghệ xanh, chuyển hướng sang sản xuất xanh cũng như tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ví dụ, để đầu tư năng lượng Mặt trời cần diện tích rộng, trong khi giá thuê đất cao, đầu ra khó khăn vì giá điện bán ra thấp, khoảng 2.000 đồng/kWh, trong khi giá điện sản xuất đối với doanh nghiệp là 4.000 đồng/kWh. Vì vậy cần có chính sách ưu đãi về cho thuê đất xây dựng dự án và tăng giá mua điện tư nhân trong lĩnh vực năng lượng Mặt trời.
Để thúc đẩy tăng trưởng xanh, điều kiện tiên quyết là Chính phủ phải ban hành các chính sách thích hợp nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp cũng như nâng cao nhận thức, sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vào tăng trưởng xanh, làm cho tăng trưởng xanh phổ biến hơn nữa trong đời sống kinh tế-xã hội.
Nhà nước cần thiết kế và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình hành động, kế hoạch thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh theo lộ trình thích hợp. Xây dựng và thực thi nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, tiêu chí về kinh tế, kỹ thuật, môi trường... phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh bảo đảm sự phát triển bền vững. Có cơ chế khuyến khích, ưu đãi các ngành ngành hàng phát triển, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm và tiến tới không đầu tư vào những ngành hàng sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường và không thích ứng được với biến đổi khí hậu.
Văn phòng SXSH và SXTDBV tổng hợp