Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ hai, 25/11/2024 | 04:15 GMT+7

Điển hình

Sản xuất giấy và trách nhiệm với môi trường sống, phát triển bền vững

15/08/2018

Các nhà máy sản xuất giấy đang có xu hướng chú trọng đầu tư vào hệ thống sản xuất, xử lý chất thải… để vừa tăng hiệu quả kinh doanh, vừa đảm bảo các yếu tố về môi trường đạt chuẩn an toàn, phát triển bền vững.
Không nên thúc đẩy sản xuất mà bỏ quên yếu tố môi trường. Ảnh minh họa
Khuyến khích xu hướng phát triển bền vững
Từ khi ra đời, ngành công nghiệp sản xuất giấy đã có những đóng góp lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, nhiều nhà máy đã không đầu tư trang bị hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn hoặc không xử lý nước thải, xả thải trực tiếp ra sông, hồ, biển, dẫn đến gây hại cho môi trường.
Bên cạnh đó, khi quy trình sản xuất không được tối ưu hoá thì việc lãng phí nguyên, nhiên liệu cùng việc tạo ra khí thải cũng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống. Những bài học từ Formosa, Vedan… chính là hồi chuông báo động việc xem nhẹ yếu tố môi trường trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp (DN).
Tại Việt Nam, ngành công nghiệp sản xuất giấy có quy định ngày càng cao về tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, thậm chí một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả châu Âu. Ví dụ như chỉ tiêu COD (tiêu chuẩn để xác định khối lượng của các chất ô nhiễm hữu cơ trong nước của Việt Nam) chỉ được tối đa 200mg/l (tiêu chuẩn của Hà Lan là 325 mg/l).

 Giảm thiểu tác hại môi trường nên được các nhà máy giấy quan tâm. Ảnh NB
Bên cạnh đó, quy hoạch phát triển ngành giấy ở Việt Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2025 cũng chỉ rõ: triển khai ứng dụng công nghệ sản xuất sạch hơn đối với các nhà máy đang vận hành; triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn, tái sử dụng nước, khép kín dây chuyền sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Yêu cầu này đòi hỏi các DN giấy cần luôn chủ động trong việc sản xuất “sạch” và “xanh”, đặc biệt trong khâu xử lý chất thải để đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Không đánh đổi phát triển kinh tế lấy môi trường
Tại Việt Nam, nhiều nhà máy giấy từng đứng trước thách thức lớn về môi trường, kể cả những nhà máy có quy mô lớn như Lee&Man ở tỉnh Hậu Giang. Việc từng bị dư luận phản ánh do tác động làm ô nhiễm đến môi trường sống cũng chính là cơ hội để DN xem xét và cẩn trọng trong khâu sản xuất, xử lý chất thải...
Theo đại diện của Lee&Man, nhà máy đã sử dụng phần lớn nguồn nguyên liệu là giấy tái chế thay vì gỗ để sản xuất giấy bao bì cao cấp phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Việc sản xuất giấy dùng nguyên liệu từ giấy tái chế sẽ giảm được 74% lượng khí thải và 35% nước thải so với sản xuất giấy từ bột nguyên.
Qua đó, góp phần giúp giảm khai thác hơn 24 triệu cây xanh, tiết kiệm khoảng 45,5 triệu m3 nước và khoảng gần 6 tỷ Kwh năng lượng điện, góp phần đáng kể giảm thải lượng phát thải và tiết kiệm nguồn tài nguyên nước, bằng cách sử dụng đến 90% nguyên liệu là giấy tái chế, công suất 420.000 tấn/năm.
Ngoài việc sử dụng nguyên liệu giấy tái chế, Lee&Man cũng đầu tư vào công nghệ xử lý nước thải, khí thải tiên tiến với hệ thống quan trắc hoạt động 24/24, các số liệu liên tục được cập nhật và truyền trực tiếp về Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang để quản lý nên chất lượng nước thải, khí thải luôn được kiểm soát trước khi đưa ra ngoài môi trường.
Các chỉ tiêu về nước thải, khí thải cũng nằm trong quy chuẩn của pháp luật và chất lượng nước thải sau khi xử lý tại nhà máy có chất lượng cao hơn chất lượng nước thải quy định tại cột A của tiêu chuẩn về nước thải.

 Hồ kiểm tra mức độ an toàn của nước thải sau khi xử lý tại nhà máy sản xuất giấy Lee&Man. Ảnh NB
Ngoài ra, nước thải đã qua xử lý sẽ được DN lưu trữ tại hồ sinh thái để đo nồng độ, quy chuẩn, sau đó dẫn qua hồ kiểm chứng để nuôi cá. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Tài nguyên & Môi trường thử nghiệm tại một công ty sản xuất giấy./.
Theo Thời báo Tài chính