Chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất sạch hơn cho doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ
Cùng với Chiến lược Tăng trưởng xanh, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất theo hướng bền vững như: Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030…
Thông qua đó, ở nhiều địa phương, trong nhiều ngành và lĩnh vực công nghiệp quan trọng đã có các doanh nghiệp điển hình thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn. Điều này đã góp phần mang lại lợi ích kinh tế và môi trường to lớn không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho toàn xã hội.
Thống kê của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có khoảng 400.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp; đóng góp 40% GDP và tạo việc làm cho 52% người lao động. Việc tham gia áp dụng và thực hiện sản xuất sạch hơn (SXSH) sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) một cách mạnh mẽ; tạo được lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường. Mặt khác, khi tham gia thực hiện SXSH, DN công nghiệp sẽ nhận được sự khuyến khích và được hưởng chính sách ưu đãi tài chính của Nhà nước.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)Hoạt động tư vấn áp dụng SXSH tại các DN (bao gồm tư vấn đánh giá nhanh và đánh giá chi tiết SXSH) là hoạt động được Nhà nước hỗ trợ thực hiện từ nguồn kinh phí thực hiện Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020 và kinh phí khuyến công (gồm khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương).
Để hướng dẫn về nội dung, tiêu chí và định mức hỗ trợ hoạt động SXSH cho các doanh nghiệp, liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương đã ban hành 02 Thông tư liên tịch hướng dẫn, gồm: Thông tư liên tịch số 221/TTLT-BTC-BCT ngày 25/12/2012 giữa Bộ Tài Chính và Bộ Công Thương về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020; và Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18/2/2014 về hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 3, Thông tư 221: “Mức chi hỗ trợ đánh giá SXSH cho các cơ sở sản xuất công nghiệp tối đa không quá 50% phí tư vấn nhưng không quá 50 triệu đồng/1 cơ sở”. Mức chi cụ thể cho từng nội dung/hoạt động nhằm thực hiện hoạt động tư vấn áp dụng SXSH tại DN được thực hiện theo đúng định mức, chế độ chi tiêu tài chính của các văn bản hiện hành.
SXSH là công cụ hữu hiệu giúp cho DN nâng cao tính cạnh tranh và chỗ đứng trên thị trường do chất lượng sản phẩm tốt hơn và uy tín hơn nhờ các ưu điểm nổi bật sau:
Thứ nhất, SXSH làm giảm giá thành sản phẩm thông qua nâng cao hiệu quả sản xuất và nguồn lực; giảm chi phí nguyên nhiên vật liệu, nước và năng lượng đầu vào; tận dụng được các sản phẩm phụ.
Thứ hai, giảm chi phí liên quan đến thu gom và xử lý chất thải do giảm lượng chất thải phát sinh vì DN chú trọng đến phòng ngừa ô nhiễm hơn là khắc phục ô nhiễm.
Thứ ba, thực hiện tốt hơn các yêu cầu pháp lý về môi trường.
Thứ tư, tăng cường ý thức của người lao động về bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường làm việc, góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động.
Thứ năm, cải thiện hình ảnh của DN về trách nhiệm xã hội và tuân thủ luật pháp; giúp DN tạo dựng sự tin tưởng đối với các bên liên quan (khách hàng, nhà cung cấp, nhà quản lý, địa phương…) trên các lĩnh vực.
Thứ sáu, tạo ra các cơ hội thị trường mới và hấp dẫn. Thứ bảy, SXSH gắn liền với Hệ thống quản lý môi trường, Quản lý chất lượng tổng hợp, Quản lý sức khỏe và an toàn.
Cuối cùng, thị trường quốc tế không chỉ yêu cầu về chất lượng sản phẩm, giá thành sản phẩm mà còn là đòi hỏi về khía cạnh môi trường và trách nhiệm xã hội của DN.
Theo Cục Công Thương địa phương