Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 08/11/2024 | 05:45 GMT+7

Sản xuất bền vững

Thừa Thiên Huế: Áp dụng sản xuất sạch hơn để giải quyết vấn đề môi trường

20/07/2018

Để giải quyết vấn đề về môi trường cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 và UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược này cho giai đoạn 2016-2020.
Các loại rác thải được Công ty CP Prime Phong Điền bố trí từng thùng rác riêng, đảm bảo an toàn, thuận tiện xử lý.

Sản xuất sạch hơn đang được nhiều cơ sở sản xuất áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe người lao động, cộng đồng.
Một số nhà máy hoạt động trong ngành chế biến thực phẩm, bia rượu, tinh bột sắn... đang áp dụng giải pháp giảm tiêu thụ nước và nước thải hàng trăm m3 nước mỗi năm nhờ lắp đặt hệ thống thu hồi nước ngưng và tuần hoàn nước làm mát máy, đưa trở lại nồi hơi hay thiết bị tăng áp lực nước để tăng hiệu quả rửa. Để tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải mùi khó chịu, một số nhà máy cũng đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hệ thống "màn trùm" thu hồi biogas để làm nhiên liệu đốt lò hơi.
 
Không chỉ nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ vào sản xuất, nhiều nhà máy sản xuất trên địa bàn trong lĩnh vực dệt may, chế biến khoáng sản như: Công ty CP Dệt may Huế, Scavi Huế, Công ty CP Prime Phong Điền... đang áp dụng chương trình 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) trong quá trình hoạt động sản xuất. Áp dụng 5S giúp doanh nghiệp (DN) tạo ra một nơi làm việc an toàn, môi trường làm việc sạch sẽ, gọn gàng và loại bỏ các lãng phí: vật tư trong quá trình sản xuất, phế phẩm, không gian do sắp xếp không ngăn nắp, các hoạt động thừa, chờ đợi chậm trễ, lưu kho nhiều...
 
Qua quá trình áp dụng 5S, nhiều DN kể cả người lao động đều cho rằng dễ thực hiện nhưng đem lại hiệu quả cao hơn. Đơn giản như nguyên tắc S1-sàng lọc rất quan trọng đối với nhà máy có nhiều nguyên vật liệu, máy móc làm giới hạn không gian làm việc. Một khi sắp xếp các đồ vật cần thiết như dụng cụ, nguyên liệu, thành phẩm, máy móc hợp lý sẽ giúp người lao động không phải "chết ngập" trong những đống rác, đồ vật vô dụng, mà có được nơi làm việc thông thoáng, vệ sinh và an toàn.
 
Nguyên tắc S2-sắp xếp là sắp xếp đúng vật, đúng chỗ, có đánh số ký hiệu, giúp dễ tìm, dễ thấy. Nguyên tắc này giúp người lao động không tốn thời gian, sức lực vào việc tìm kiếm đồ nghề, dụng cụ, phải xoay trở nhiều khi thao tác do vướng víu, di chuyển, vận chuyển nguyên liệu và bán thành phẩm, lô hàng vòng vèo giữa các vị trí trong nhà xưởng do bố trí không hợp lý...
 
Duy trì môi trường làm việc sạch sẽ theo nguyên tắc S3-sạch sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tâm lý của mọi người, an toàn nơi làm việc, chất lượng và tuổi thọ của máy móc, thiết bị, chất lượng sản phẩm, nguyên vật liệu và hình ảnh của công ty. Với nguyên tắc này, nhiều nhà máy đã phân công người lao động dành vài phút vệ sinh nhà xưởng, máy móc cuối mỗi ca hoặc sau mỗi ngày làm việc. Việc làm này vừa giúp công nhân thư giản tay chân sau những tiếng đồng hồ tập trung vào công việc, vừa giúp môi trường làm việc luôn sạch sẽ, gọn gàng, tránh xảy ra ô nhiễm thứ cấp, cháy nổ...
 
Các hoạt động "sàng lọc- sắp xếp- sạch sẽ" được duy trì thường xuyên và được chuẩn hoá thành các công việc hằng ngày để tạo ra một nơi làm việc năng suất, thuận lợi, an toàn, vệ sinh, đúng như tinh thần hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2018 vừa được phát động tại các nhà máy công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo Báo Thừa Thiên Huế