Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:50 GMT+7

Tin hoạt động

Khuyến công Trà Vinh: Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

24/02/2016

Nhằm khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2006 -2015 thông qua chính sách khuyến công với tổng kinh phí là 9,93 tỷ đồng, Sở Công Thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển mở rộng sản xuất. Cụ thể một số hoạt động như sau: Hỗ trợ 27 cơ sở, doanh nghiệp đầu tư đổi mới ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến thay cho máy móc công nghệ lạc hậu vào sản xuất với kinh phí hỗ trợ 2,018 tỷ đồng nhằm giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và gia tăng tính cạnh tranh trên thị thường; Tổ chức 271 lớp truyền nghề giải quyết việc làm cho 8.358 lượt lao động nông nhàn với thu nhập khá ổn định, bình quân 02-2,6 triệu đồng/người/tháng, góp phần xây dựng nông thôn mới; Tổ chức 89 lớp tập huấn nâng cao kiến thức gia nhập thị trường cho 3.469 học viên, sau các lớp tập huấn, đã giúp cho các doanh nghiệp mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất; Hỗ trợ cho 210 lượt cơ sở tham gia 24 cuộc Hội chợ và tổ chức 06 Phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn”, qua đó giúp cho các cơ sở, doanh nghiệp củng cố được thị trường hiện có, đồng thời tìm thêm nhiều khách hàng mới; Hỗ trợ 39 lượt cơ sở, doanh nghiệp tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, thông qua các cuộc bình chọn, ngoài việc được thông tin tuyên truyền để cho các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở vùng miền khác biết được về sản phẩm của mình, còn được trưng bày, triển lãm nên đơn vị sản xuất có cơ hội giới thiệu trực tiếp sản phẩm của mình; Tư vấn và hỗ trợ cho trên 1.000 lượt cơ sở, doanh nghiệp trong các lĩnh vực lập dự án đầu tư, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chiến lược kinh doanh, vay vốn, thuế, tiếp cận các chính sách của tỉnh,..

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ Công Thương về việc triển khai chương trình Sản xuất sạch hơn (SXSH) cho các doanh nghiệp địa phương áp dụng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần giảm thiểu các phát thải ra môi trường, Sở Công Thương đã tổ chức 01 cuộc hội thảo, 03 lớp tập huấn, đào tạo về SXSH cho 290 lượt người, xây dựng các  phóng sự, bản tin và tờ rơi hướng dẫn áp dụng SXSH; Hỗ trợ cho 11 doanh nghiệp đánh giá SXSH với tổng kinh phí thực hiện các hoạt động là 561,316 triệu đồng. Thông qua các hoạt động này nhận thức về SXSH được nâng lên rõ rệt, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất từ 15-20% góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; Hỗ trợ thành lập, duy trì và phát triển mô hình Câu lạc bộ đặc sản, hiện Câu lạc bộ đang hoạt động rất có hiệu quả, qui mô sản xuất kinh doanh của từng thành viên đã tăng lên rất rõ nét. Nhìn chung, thông qua chương trình khuyến công đã giải quyết, tạo việc làm ổn định cho các lao động ở nông thôn, số lượng cơ sở, doanh nghiệp ngày càng tăng lên (năm 2006 là 5.957 đến năm 2015 dự kiến là 10.263 cơ sở)… phát triển theo hướng bền vững, góp phần tăng thêm giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Trong quá trình triển khai các hoạt động khuyến công bên cạnh những thuận lợi cũng còn một số khó khăn sau: Mức hỗ trợ cho cơ sở, doanh nghiệp vẫn còn thấp so với tổng vốn đầu tư dẫn đến chưa thu hút được nhiều đối tượng tham gia thụ hưởng kinh phí khuyến công; Đối với một số địa bàn được ưu tiên thì ít có cơ sở tham gia do nguồn vốn khó khăn, đầu tư khiêm tốn, nhỏ lẻ; Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đa phần là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên khả năng hình thành doanh nghiệp đầu mối là rất ít, thị trường đầu ra hạn chế, các cơ sở sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ phần lớn là gia công cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh, chưa có thị trường xuất khẩu, phần lớn tiêu thụ qua khâu trung gian, dẫn đến lợi nhuận thấp, khả năng tích lũy vốn phục vụ cho tái đầu tư còn hạn chế,…

Nhằm tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh phát triển, Sở Công Thương đã xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Chương trình khuyến công giai đoạn 2016-2020 (Công văn số 3711/UBND-KTTH ngày 12/11/2015) với mục tiêu hỗ trợ các tổ chức cá nhân đầu tư sản xuất CN-TTCN và các dịch vụ khuyến công, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển CN-TTCN, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Với tổng kinh phí được phê duyệt để thực hiện chương trình giai đoạn 2016-2020 là 26,034 tỷ, Sở Công Thương sẽ chỉ đạo Trung tâm Khuyến công tập trung triển khai một số hoạt động sau: Hỗ trợ cho 40 cơ sở, doanh nghiệp ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, quy trình công nghệ vào sản xuất; Xây dựng 12 mô hình trình diễn kỹ thuật; Hỗ trợ cho 03 cơ sở công nghiệp nông thôn và 01 cụm công nghiệp sữa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý môi trường; Hỗ trợ  lãi suất vay vốn cho 14 cơ sở, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường di dời vào các khu, cụm công nghiệp; Đào tạo 1.500 lao động cho các cơ sở, doanh nghiệp và 60 thợ giỏi, nghệ nhân; Tập huấn nâng cao năng lực cho 1.800 lượt học viên của doanh nghiệp; Tổ chức 23 chuyến kết nối thị trường, tìm kiếm công nghệ máy móc thiết bị và học tập kinh nghiệm công tác khuyến công; Xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng SXSH tại 19 cơ sở; Hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cho 07 cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho 4 cụm công nghiệp; Phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu thông và mở rộng thị trường tiêu thụ cho hơn 30 sản phẩmCN-TTCN; Hỗ trợ tư vấn cho trên 300 lượt cơ sở, doanh nghiệp trong các lĩnh vực thiết kế nhãn hiệu, bao bì, xây dựng thương hiệu, lập kế hoạch kinh doanh, thuế,..

Để thực hiện đạt được các mục tiêu đề ra, Sở Công Thương sẽ tăng cường chỉ đạo Trung tâm Khuyến công thường xuyên đi cơ sở nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ, bên cạnh đó ngoài nguồn vốn của Trung ương, ngân sách tỉnh, cố gắng tranh thủ tối đa các nguồn vốn kể cả vốn hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước tham gia hoạt động khuyến công, kết hợp, lồng ghép với các nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học, chương trình phát triển ngành nghề nông thôn và chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng bền vững./.