Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 20:33 GMT+7

Điển hình

Công nghệ WTE: Lối mở cho phát triển điện rác

18/07/2018

Ưu điểm của phương pháp này là sử dụng dây chuyền khép kín, không tốn quỹ đất để chôn lấp và không cần phải phân loại rác đầu nguồn. Khi chuyển hóa rác thành khí gas tổng hợp, không phát sinh mùi, nước; ổn định và an toàn suốt quá trình vận hành. Công nghệ này được phát triển từ các công nghệ nguồn như: Seraphin, CDW, MBT CD-08, MBT-GRE.

Theo Kỹ sư Nguyễn Gia Long - Giám đốc Công ty Thủy lực – Máy - người đã phát minh và thử nghiệm công nghệ này thành công trong nhiều năm, với công nghệ này, rác đầu vào được cắt nhỏ chuyển lên băng chuyền. Tại đây, công nghệ MBT-GRE sẽ tách hết dòng vật chất hữu cơ mô mềm nhanh phân hủy và nước có trong hỗn hợp rác thải (đây là những vật chất dễ phân hủy, gây ô nhiễm mùi kéo theo côn trùng...). Hữu cơ mô mềm và nước được chuyển tự động theo đường ống dẫn xuống hầm sinh học để sản xuất khí methane, phần còn lại là hỗn hợp xơ bã sẽ được sấy giảm ẩm 20 - 25%; sau ép thành viên hoặc kiện, đưa vào lò khí hóa đa nhiên liệu, sản xuất thành khí tổng hợp.
Công nghệ này đang được khảo nghiệm ở Nhà máy Cơ khí chế tạo thiết bị môi trường thuộc Công ty Thủy lực - Máy (Khu công nghiệp Đồng Văn, Hà Nam). Sau 1 tháng vận hành khảo nghiệm, nhà máy đã xử lý sạch 208 tấn rác thải không phân loại do Công ty Môi trường đô thị Hà Nam cung cấp. Điện được sản xuất từ rác thắp sáng toàn bộ hệ thống chiếu sáng của Khu công nghiệp Đồng Văn. Trung tâm Quan trắc môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tiến hành đo kiểm bằng thiết bị tiên tiến nhất, cho kết quả chất lượng khí thải từ đốt rác đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn Việt Nam.
Sau Hà Nam, công nghệ WTE tiếp tục được phép chạy thử nghiệm tại Nhà máy Điện rác Gò Cát (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh). Nhà máy hoàn thành và đi vào hoạt động cuối tháng 4/2017, đến nay đã xử lý khoảng 500 tấn rác thải công nghiệp, tái tạo ra 7MW điện hòa vào lưới điện quốc gia. Nhà máy được vận hành bởi hệ thống thiết bị tiền chế rác như: Các thiết bị cắt sơ cấp và thứ cấp, các thiết bị ép viên rác công nghiệp; hệ thống 2 lò khí hóa đa nhiên liệu và túi chứa khí tổng hợp, cùng 3 máy phát điện chạy khí tổng hợp (1 máy phát điện phục vụ hệ thống chiếu sáng toàn bộ khu vực và 2 máy phát điện công suất 550kVA/máy).
Việc Công ty Thủy lực - Máy vận hành thành công đề án thực nghiệm xử lý rác thải rắn phát điện tại Hà Nam và TP. Hồ Chí Minh đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành và nhiều địa phương trong cả nước. Nếu công nghệ này đưa vào sản xuất thương mại, sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường và tạo thêm nguồn điện cho quốc gia.
Việt Nam với 93 triệu dân, mỗi ngày có gần 35.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt nông thôn. Nếu áp dụng thành công xử lý rác thành năng lượng sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho môi trường và phát triển kinh tế đất nước.
Theo Báo Công Thương